Nửa đầu tháng 5.2020, Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) tổ chức giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 73/2017/NQ-HÐND của HÐND tỉnh về ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại một số đơn vị. Ghi nhận từ hoạt động giám sát, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trường CĐ Bình Định: Nỗ lực ổn định trong khó khăn
Nhằm duy trì sự ổn định sau khi thực hiện sáp nhập 4 trường trung cấp trên địa bàn tỉnh vào Trường CĐ Bình Định, từ ngày 1.4.2019, Trường CĐ Bình Định đã thành lập các cơ sở đặt tại 4 trường trung cấp cũ, duy trì bộ máy tổ chức, cán bộ giáo viên, phân công các đồng chí nguyên hiệu trưởng, quyền hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm cán bộ phụ trách hoặc phó phụ trách tại các cơ sở. Đồng thời, phân công các đồng chí nguyên trưởng/phó khoa, phòng tại các trường trung cấp làm trưởng/phó bộ phận chức năng, bộ phận chuyên môn hoặc các công tác khác như tuyển sinh; thực hiện bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện giữ theo Quyết định 2413/QĐ-UBND.
Ông Lê Xuân Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định, phân tích: “Khi sáp nhập, bộ máy của các trường trung cấp có các vị trí việc làm giống nhau như kế toán, văn thư... Đảng ủy, Ban giám hiệu đã thực hiện nhiều cuộc sắp xếp, bố trí lại vị trí việc làm, điều động, luân chuyển. Vì nhiệm vụ, vị trí công tác, cán bộ, giáo viên phải di chuyển giữa các cơ sở với khoảng cách địa lý khá xa (nhất là cơ sở tại huyện Hoài Nhơn) nên bước đầu còn nhiều khó khăn. Việc tuyển sinh gặp khó ở một số ngành, nghề, dẫn đến việc thiếu giờ dạy, nhà trường đã bố trí công việc khác nhằm đảm bảo khối lượng công việc. Tuy nhiên, một số giáo viên không thể bố trí công việc khác vì các lý do cá nhân, điều kiện gia đình, trình độ chuyên môn. Đến nay, có 6 viên chức và 20 giáo viên, nhân viên hợp đồng chủ động xin chuyển công tác hoặc thôi việc”.
Về mặt cơ sở vật chất, các cơ sở của Trường CĐ Bình Định đặt tại các huyện cũng đang gặp khó. Cơ sở tại TX An Nhơn sắp bàn giao khu nhà tại địa chỉ 31 Trần Thị Kỷ (phường Bình Định) theo quyết định của UBND tỉnh, chỉ còn lại cơ sở thực hành ở khu vực Kim Châu và ký túc xá ở địa chỉ 20 Trần Thị Kỷ. Tuy nhiên, cả 2 vị trí này đều không có khu nhà làm việc cho cán bộ, nhân viên. Trường đang đề xuất cải tạo một số phòng để làm phòng làm việc.
Tại cơ sở ở huyện Hoài Nhơn, sau khi bàn giao một phần diện tích cho Trường THPT chuyên Chu Văn An, hiện nay vẫn chưa thể hoàn thiện lại hệ thống nước, điện, hàng rào, chưa bố trí lại được xưởng may. Trường đã tuyển sinh được 70 học viên nghề may, hiện có 100 máy may nhưng lại không thể sắp xếp, triển khai đào tạo tại cơ sở.
Do sáp nhập, các giáo viên từng công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định không còn được hưởng chính sách phụ cấp 50% mức lương đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu nghệ thuật theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP. Học sinh, sinh viên theo học ngành văn hóa nghệ thuật cũng không được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề theo Quyết định 41/2014/QĐ-TTg.
Các trung tâm GDNN: Nhiều vướng mắc
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tỉnh, đơn vị được hợp nhất từ 3 trung tâm GDNN thuộc 3 hội - đoàn thể, cũng đã nỗ lực cho nhiệm vụ đào tạo nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều khó khăn của các đơn vị cũng chưa được tháo gỡ.
Cơ sở vật chất của Trung tâm (trụ sở cũ của Trung tâm GDNN và hỗ trợ nông dân tỉnh) xuống cấp, thiếu hệ thống xưởng thực hành. Đội ngũ lãnh đạo hiện chỉ có đồng chí Giám đốc Trung tâm được bổ nhiệm, còn lại mới chỉ làm việc theo chế độ phân công. Trung tâm GDNN tỉnh đề xuất các cơ quan cấp trên quan tâm củng cố, quy hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, các phòng, bộ phận, giáo viên cơ hữu của Trung tâm để ổn định hoạt động.
Được UBND TP Quy Nhơn quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để phát triển, Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên TP Quy Nhơn đang có những định hướng để phát triển đơn vị trong thời gian tới. Tuy nhiên, đơn vị gặp một số vướng mắc về chính sách. Đơn cử như việc, dù giáo viên của Trung tâm đủ điều kiện để dạy trung cấp nghề cho học sinh học hệ giáo dục thường xuyên tại Trung tâm, nhưng lại vướng quy định là Trung tâm chỉ được phép liên kết với các trường trung cấp để mở lớp, trong khi toàn tỉnh không còn trường trung cấp. Vì vậy, Trung tâm đề xuất có cơ chế để được liên kết với các trường cao đẳng, góp phần giải quyết việc làm cho đội ngũ giáo viên của Trung tâm.
Qua rà soát, các thành viên Đoàn giám sát cũng lo lắng cho tương lai của các trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên của các huyện. Theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 tại Quyết định 522/QĐ-TTg, đến năm 2025, chức năng giáo dục thường xuyên, định hướng, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh sẽ chuyển về các trường THCS, THPT. Trung tâm khi ấy chỉ còn lại nhiệm vụ GDNN cho người lao động tại xã hội.
Ở thời điểm hiện tại, các trung tâm này đang sống dựa chủ yếu vào hoạt động dạy nghề cho học sinh, giáo dục thường xuyên. Nhiệm vụ GDNN, các trung tâm mới được tiếp nhận và còn nhiều hạn chế, yếu về trang thiết bị, về đội ngũ giáo viên. Liệu các đơn vị này có đủ năng lực cạnh tranh với các trường cao đẳng sắp tới sẽ được phép tuyển sinh cả hệ sơ cấp?
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ý kiến: “Đề nghị đoàn giám sát đề xuất lên cấp trên về việc giãn thời gian thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg để các trung tâm có cơ hội hoàn thiện, đủ năng lực cạnh tranh, tự sống. Bên cạnh đó, cũng nên đề xuất giãn quy trình tự chủ của các trung tâm này, có lộ trình cụ thể về việc tự chủ và nếu đến thời điểm đó, họ không đảm bảo tự chủ theo lộ trình thì sẽ có các phương án cụ thể”.
Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã thực hiện tái cấu trúc lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN và có tham gia hoạt động GDNN theo Luật GDNN. Bình quân trong 3 năm 2017 - 2019, các cơ sở GDNN tuyển sinh đào tạo cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề cho 17.000 - 18.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đề ra.
Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm