Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, năm 2018, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Hoài Ân tổ chức 11 lớp đào tạo nghề miễn phí cho hơn 330 lao động nông thôn tại các xã: Ân Đức, Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh, Ân Tường Tây và Ân Hảo Tây. Trong đó, 5 lớp nghề nông nghiệp có thời gian đào tạo 2 tháng, gồm: nuôi và phòng trị bệnh cho heo, trâu, bò; trồng dâu, nuôi tằm và trồng bưởi. 6 lớp nghề phi nông nghiệp có thời gian đào tạo 3 tháng, gồm: kỹ thuật chế biến món ăn và điện dân dụng.
Với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, trong chương trình học, các học viên được tham quan thực tế một số cơ sở chăn nuôi, xưởng sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, các học viên sớm “cứng” tay nghề, thực hiện thành thạo các kỹ thuật nghề được đào tạo, qua đó nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, sản xuất tại gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hường, trú xã Ân Hảo Đông, cho biết: “Lâu nay gia đình tui trồng dâu, nuôi tằm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Sau khi tham gia lớp đào tạo do huyện tổ chức, tui biết thêm nhiều kỹ thuật mới để áp dụng vào thực tế, giúp việc trồng dâu, nuôi tằm đạt năng suất, chất lượng ngày càng cao”.
“Học xong lớp dạy nghề trồng bưởi, tui có thêm nhiều kiến thức về trồng và chăm sóc, điều trị bệnh cho loại cây trồng này nên mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô canh tác. Việc phòng chống dịch bệnh cũng hiệu quả, nên cây nhiều trái, chất lượng đồng đều”, bà Phạm Thị Đào, trú xã Ân Đức, chia sẻ.
Ngoài ra, để trao “cần câu” bền vững cho lao động nông thôn, huyện Hoài Ân chú trọng tuyên truyền, tư vấn để người dân mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động. Nhiều năm nay, Hoài Ân là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh trong công tác xuất khẩu lao động, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong năm 2018, toàn huyện có 155 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tập trung vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Tạ Ngọc Định, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết: UBND huyện và các đơn vị chức năng liên quan chú trọng mở các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của người dân; gắn với thực tế sản xuất tại địa phương. Kiến thức và kinh nghiệm mà học viên tiếp thu sau mỗi khóa học trở thành “cần câu” giúp họ phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Thời gian tới, Phòng tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của từng hộ dân tại các xã, thị trấn để mở những lớp dạy nghề phù hợp; tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; trong đó, chú trọng các ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của huyện, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn