Xuất khẩu lao động vượt chỉ tiêu
Năm 2019, cả tỉnh có 735 người xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong khi chỉ tiêu được phân bổ là 600.
Trong đó, dẫn đầu là huyện Hoài Ân (chỉ tiêu 130, thực hiện 182), kế đến là TP Quy Nhơn (120 - 136), Phù Mỹ (80 - 96), Hoài Nhơn (80 - 89), Tây Sơn (50 - 62)… Đại đa số lao động làm việc tại hai thị trường có thu nhập cao, ổn định, điều kiện ăn ở, làm việc tốt là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Ngọc Hải, năm nay có bước chuyển biến lớn khi khắc phục được tồn tại ở một số địa phương. Đây là năm đầu tiên tất cả 11 địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu, kể cả 2 huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh - nơi công tác XKLĐ còn rất chậm, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của An Lão (chỉ tiêu 25, thực hiện 33). Đặc biệt, đã “phá vỡ” được “thành trì” Phù Cát - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố XKLĐ sang thị trường Malaysia không hiệu quả hơn 10 năm trước, khiến công tác tuyên truyền, hiệu quả triển khai nhiều năm qua rất hạn chế.
Năm 2019, toàn huyện Phù Cát có khoảng 300 lượt lao động được tư vấn tại các điểm giao dịch việc làm vệ tinh và có 37 trường hợp đi XKLĐ, đa số tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, đạt 123,3% chỉ tiêu. “Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chính sách hỗ trợ. Trong đó, có sự tham gia tích cực của Ngân hàng CSXH huyện trong việc giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Trần Văn Nghiêu, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, cho biết.
Theo ông Phan Nguyễn Nguyên - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát - năm 2019, ngân hàng đã giải ngân cho 23 hộ vay hơn 1,8 tỷ đồng để tham gia XKLĐ, nâng tổng dư nợ của chương trình tín dụng này lên gần 2,73 tỷ đồng với 32 hộ vay, mức vay 50 - 120 triệu đồng/trường hợp, lãi suất 6,6%/năm. Qua kiểm tra, tất cả các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Các lao động đi xuất khẩu đều có thu nhập cao, ổn định và đã có nhiều hộ vay trả nợ trước hạn.
Giáo dục nghề nghiệp “hái quả”
Năm 2019, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bình Định lần đầu tiên chinh phục Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc bằng giải “có số”. Tại Hội thi lần thứ VI - 2019, 8/8 thiết bị dự thi có giải, gồm 1 giải nhì, 1 giải ba (cùng 6 giải khuyến khích và 2 bằng khen). Tại cuộc gặp, chúc mừng các nhà giáo GDNN tiêu biểu nhân ngày 20.11, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã đặc biệt chúc mừng, nhấn mạnh thành tích mới nổi bật này của ngành.
“Kinh phí cho việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị đào tạo tự làm gần như không có, chỉ dựa vào khả năng hạn hẹp của mỗi trường nên khó cạnh tranh nổi với thiết bị của những tỉnh, thành lớn được đầu tư bài bản. Vì vậy, kết quả này có ý nghĩa động viên rất lớn”, giáo viên Nguyễn Lê Công Minh, Trường CĐ Cơ điện - xây dựng và nông lâm Trung bộ, tác giả thiết bị Mô hình nhà nấm thông minh sử dụng công nghệ IoT - đạt giải ba, chia sẻ.
Công tác GDNN ngày càng khẳng định được vai trò và nhận sự quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh. Trong Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 13.3.2019 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia).
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng, tiếp tục chú trọng gắn kết đào tạo GDNN với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, cuối tháng 11.2019, theo quyết định của Bộ LĐ-TB&XH, Bình Định được bổ sung nghề trọng điểm ở 2 trường với 7 ngành, nghề. Đây là cơ sở để các ngành, nghề trọng điểm mới, phù hợp với nhu cầu thực tiễn được đầu tư, nâng cấp, thúc đẩy công tác GDNN có điều kiện phát triển hơn thời gian đến.
Cụ thể, Trường CĐ Y tế Bình Định bổ sung ngành Điều dưỡng (cấp độ khu vực ASEAN) và Dược (cấp độ quốc gia). Trường CĐ Bình Định bổ sung ngành Hướng dẫn du lịch (cấp độ quốc tế), Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn (cấp độ khu vực ASEAN), Nghệ thuật biểu diễn dân ca và Chế biến, bảo quản thủy sản (cấp độ quốc gia).