Tại mỗi địa phương, việc xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới cũng được chú trọng với việc huy động đa dạng các nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em dưới nhiều hình thức, đẩy mạnh tư vấn các trường hợp là nạn nhân của bất bình đẳng, bị xâm hại, bạo lực... Song song đó là kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới nói riêng. Bà Nguyễn Bích Đào, Phó trưởng Phòng LĐ- TB&XH TX Hoài Nhơn, cho biết: Phòng LĐ-TB&XH thị xã đã tổ chức gặp mặt, giao lưu với các chị em về vấn đề bình đẳng giới. Dự kiến tháng 12 tới, Phòng sẽ triển khai mô hình “Phòng chống xâm hại trẻ em” ở phường Hoài Đức.
Cùng với đó, để đảm bảo Tháng hành động diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tăng cường các hình thức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bình đẳng giới và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Xây dựng cộng đồng bình đẳng, an toàn với phụ nữ và trẻ em là mục tiêu chung của cả xã hội. Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 22 buổi truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em, trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ tại 11 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức 12 lớp tập huấn trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên các cơ sở mầm non tư thục. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, bởi đây là bước đầu để người dân tiếp cận thông tin về bình đẳng giới. Sở LĐ-TB&XH đặc biệt chú trọng việc phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, địa phương để đưa các quy định và thông điệp liên quan đến từng nhóm đối tượng cụ thể.
Nông dân, phụ nữ, người dân tộc thiểu số... là những đối tượng thường xuyên được truyền thông về bình đẳng giới. Đặc biệt, việc tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa được triển khai bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ngoài tiếng Kinh còn có tiếng Bana, Chăm, H’rê. Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến năm 2021, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp nhận thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới đạt khoảng 40%. Nhờ vậy, tình trạng bất bình đẳng trong cộng đồng người dân nơi đây từng bước được cải thiện.
Hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng hóa. Bên cạnh cách truyền thống như tọa đàm, hội nghị, còn có các hội thi, sân khấu hóa, tiểu phẩm truyền thanh, tuyên truyền trực quan bằng clip, phim ngắn... Ngoài ra, các mô hình CLB liên quan đến bình đẳng giới như “Địa chỉ tin cậy”, “Trợ giúp pháp lý”, “Vợ chồng bình đẳng”... cũng ngày càng phát triển tại nhiều địa phương, vùng miền. Bà Nguyễn Thị Sáu, Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ với pháp luật” thuộc Hội LHPN phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), cho hay: “Thông qua CLB, chị em phụ nữ có thể cùng nhau tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình. Đây cũng là nơi chị em tâm sự, chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp nếu là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới”.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn