Theo đó, việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối với người lao động không đề nghị được hỗ trợ. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia BHXH bắt buộc; mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.
Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng quy định. UBND cấp huyện tổ chức tiếp nhận hồ sơ do các DN, người sử dụng lao động gửi đến, thẩm định danh sách đối tượng được hưởng hỗ trợ, bảo đảm chặt chẽ, đúng điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Đồng thời, có trách nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng CA cập nhật, kiểm tra, xác minh thông tin đối tượng được hỗ trợ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng.
Các DN, HTX, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể người lao động về chính sách, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách cho người lao động đang làm việc tại DN đủ điều kiện hưởng chính sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ, thực hiện chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quy định của pháp luật.