Hơn 7.200 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng đầu năm hơn 7.200 người. Trong số này, 94,4% người lao động thất nghiệp do chủ động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Các nguyên nhân khác như do DN, tổ chức, đơn vị giải thể, phá sản, thay đổi cấu trúc (chiếm 0,53%), hết hạn hợp đồng lao động (0,66%), người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải (0,11%), nguyên nhân khác như bệnh, thai sản, lớn tuổi… (4,46%). Không có tình trạng người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tư vấn về việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động huyện Tuy Phước tại phiên giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: N.M |
Theo khảo sát, người lao động chủ động nghỉ việc do trong quá trình làm việc người sử dụng lao động và người lao động không đạt được các thỏa thuận về thời gian làm việc, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, tiền lương… nên hai bên thỏa thuận chấm dứt hoặc không tiếp tục ký hợp đồng lao động khi hết hạn. Người lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, không có bằng cấp và chứng chỉ nghề chuyên môn, hoạt động trong các ngành may, gỗ, thủy sản… Một số lao động là giáo viên mầm non tư thục, tiểu học, THCS hết hạn hợp đồng, không được các đơn vị ký tiếp. Ngoài ra, còn có một bộ phận lớn là lao động quê Bình Định đang làm việc tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… về nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 475 lượt DN với hơn 49.200 vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 45,7%, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ lệ tuyển dụng cao nhất (chiếm 88%), tập trung ở các lĩnh vực như: Linh kiện điện tử, may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này cũng đặc biệt tăng cao trong quý I/2022 vì nhu cầu tập trung nhân lực, ổn định sản xuất sau tết Nguyên đán của các DN.
Tương tự vậy trong quý I/2022, người lao động trong tỉnh tập trung tìm việc ở nhóm ngành chế biến, chế tạo (chiếm 73,5% nhu cầu tìm việc của người lao động). Tuy nhiên, sang quý II, khi Bình Định bước vào mùa cao điểm du lịch, số người tìm kiếm việc làm trong nhóm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng lên.
Kết nối cung - cầu lao động
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm, gồm 14 phiên định kỳ, 16 phiên lưu động, 7 phiên trực tuyến. Có 325 lượt DN và 2.700 lượt người lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm. Kết quả, Trung tâm đã giới thiệu, cung ứng 350 lao động cho các DN. Ngoài các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã giới thiệu việc làm, giới thiệu học nghề cho hơn 35.800 lượt người lao động tìm đến Trung tâm; qua đó, cung ứng và giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 người.
Trung tâm đã tư vấn cho 750 lượt lao động về việc làm tại các thị trường nước ngoài. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm, đã cung ứng 128 lao động cho các thị trường lao động nước ngoài, chủ yếu là thị trường Nhật Bản. Phạm Đình Lê An (20 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), một trong những lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định cung ứng cho thị trường lao động Nhật Bản, cho biết: “Sau một thời gian dài khó xuất cảnh do đại dịch Covid-19, cuối cùng, sự nhẫn nại của em cũng đem về kết quả tốt đẹp. Em xuất cảnh vào giữa năm 2022 và đang cố gắng làm việc chăm chỉ để đáp ứng yêu cầu công việc, được trả lương xứng đáng”.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định cho biết để góp sức vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, trong 3 tháng cuối năm, Trung tâm tập trung đẩy mạnh các chương trình tư vấn, cung ứng việc làm cho người lao động, đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các thị trường uy tín.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, tính đến ngày 15.9, toàn tỉnh có 950 DN đăng ký thành lập mới, tăng 35,7% so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại thị trường lao động là 314 DN, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều DN gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa trong và ngoài nước đã làm nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong 9 tháng đầu năm, đã có 463 DN phải tạm ngừng hoạt động, 64 DN giải thể. |
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn