Chính sách cũ còn nhiều hạn chế
Ngay sau khi Khu công nghiệp Phú Tài được thành lập, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2005/QĐ-UB quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Định; ngày 13.5.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất gỗ nội thất trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ DN đào tạo nghề.
|
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định phối hợp các DN thực hiện đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động làm việc tại DN. Ảnh: N.M |
Theo Quyết định số 24, từ năm 2005 đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp 50 - 70% định mức kinh phí đào tạo nghề cho DN khi có nhu cầu đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh vào làm việc tại DN. Giai đoạn 2005 - 2010 có 121/4.000 DN được hỗ trợ (chiếm tỷ lệ 3%), với 21.703 lao động, tổng kinh phí gần 9,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2021, có 139/6.500 DN được hỗ trợ (chiếm tỷ lệ 2,1%) với 19.075 lao động, tổng kinh phí 13,4 tỷ đồng. Các ngành nghề được đào tạo bao gồm: May công nghiệp, gia công sản phẩm mộc, chế biến thủy sản đông lạnh, cơ khí hàn, nghiệp vụ lưu trú, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, mây tre đan.
Theo Quyết định số 09, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các DN đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội thất trên địa bàn tỉnh (áp dụng từ 23.5.2011 - 31.12.2015), có 15/6.000 DN được hỗ trợ (chiếm 0,25%) với hơn 2.000 lao động, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.
Quyết định số 24 và Quyết định số 09 đã góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút các DN đầu tư tại tỉnh, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, kết quả đạt được từ Quyết định số 24/2005/QĐ-UB, Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND vẫn còn hạn chế. Chính sách chỉ hỗ trợ cho đối tượng là người sử dụng lao động, chưa hỗ trợ người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách nào hỗ trợ người lao động làm việc trong các DN tham gia đào tạo nghề. Do vậy, lao động làm việc trong các DN chất lượng chưa cao, năng suất lao động còn thấp so với toàn quốc và khu vực. Mặt khác, người lao động làm việc trong các DN chủ yếu là lao động nông thôn, kinh tế khó khăn, thu nhập chủ yếu từ lương hằng tháng, việc đào tạo sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động”, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Ông Nguyễn Cảnh Huệ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất cơ quan soạn thảo “Quy định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh” làm rõ nguyên nhân của việc các DN ít tham gia vào hoạt động đào tạo theo chính sách cũ. Có phải là do DN không có nhu cầu đào tạo, đào tạo lại? Hay do chính sách chưa hấp dẫn? Hoặc do thủ tục còn rườm rà?
“Việc phân tích, làm rõ nguyên nhân sẽ giúp xây dựng chính sách thiết thực, sát với nhu cầu của DN, người lao động hơn”, ông Huệ nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ đối với người lao động 40.000 đồng/người/ngày thực học là còn thấp. Ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, chia sẻ: “Những năm qua, Trường cũng tiếp cận với các DN và thực hiện hoạt động đào tạo người lao động tại DN theo chỉ tiêu Bộ NN&PTNT giao. Từ năm 2018 - 2020, Trường đã đào tạo cho 300 lao động tại các DN gỗ trong Khu công nghiệp Phú Tài. Mức hỗ trợ cho người lao động mỗi ngày thực học theo Bộ NN&PTNT là 45.000 đồng/người/ngày. Cần tăng mức hỗ trợ đào tạo đối với người lao động để tăng sức hút, bởi khi họ đi học sẽ bị ảnh hưởng ngày lương”.
Ngoài ra, một số đại biểu đề xuất xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người sử dụng lao động đang hoạt động hoặc có các dự án đầu tư tại các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 70% (theo dự thảo) lên 80%; nâng mức hỗ trợ từ 50% kinh phí đào tạo cho người sử dụng lao động đang hoạt động hoặc có các dự án đầu tư trên các địa bàn còn lại (theo dự thảo) lên mức 60%.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định kiến nghị thêm: Cần rút ngắn thời gian, thủ tục, hồ sơ cho người lao động, người sử dụng lao động đủ điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo. Đây cũng là điểm quan trọng để tạo động lực cho người lao động, DN tham gia chính sách.