Nhiều khó khăn
Kết thúc năm 2021, Bình Định có 522 lao động tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), đạt 74% so với kế hoạch. Trong đó, đi Nhật Bản có 489 người, Đài Loan 22 người, Singapore 4 người… Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước cũng như nước ngoài; nhiều DN bị đình trệ, phải tạm dừng, đóng cửa. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động đã đào tạo xong nhưng không thể xuất cảnh vì nước tiếp nhận lao động vẫn chưa mở cửa đón lao động.
Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, những cản trở đến từ tâm lý lo ngại của gia đình người lao động vẫn còn tương đối nặng nề. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (Sở LĐ-TB&XH), nhiều gia đình khó khăn về mặt tài chính thường e ngại cho con em tham gia XKLĐ vì sợ không có tiền để đóng khoản chi phí ban đầu sau khi đạt phỏng vấn. Một bộ phận phụ huynh ngại cho đi làm ăn xa, nhất là đi XKLĐ vì sợ con em khổ, công việc không ổn định dẫn đến nợ vay ngân hàng không trả được…
Tư vấn, thông tin cho người lao động, thanh niên về các chương trình, đơn hàng, chính sách ưu đãi liên quan đến XKLĐ. Ảnh: N.M |
Năm 2019, TX An Nhơn có 68 lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài. Năm 2020, chỉ có 6 lao động. Năm 2021, có 21 lao động tham gia XKLĐ. Nhìn nhận về kết quả này, ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho rằng số lao động tham gia XKLĐ trên địa bàn còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lao động của địa phương. Nguyên nhân bởi công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu, rộng; nguồn vốn hỗ trợ cho vay có lúc giải quyết chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thị xã, xã phường chưa được chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả.
Khôi phục lại
Để đảm bảo cho mục tiêu phấn đấu đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022, vừa qua, tại Hội nghị triển khai công tác XKLĐ do Sở LĐ-TB&XH tổ chức, các địa phương, DN xuất khẩu lao động đã đề xuất nhiều giải pháp.
Theo đó, Chương trình thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước sẽ được triển khai trong năm. Sở LĐ-TB&XH và Bộ CHQS tỉnh đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định phối hợp phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, UBND cấp xã và các hội, đoàn thể tăng cường công tác tư vấn về XKLĐ; tổ chức tư vấn, hội thảo, phiên giao dịch việc làm theo hình thức mới; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tuyển chọn lao động, cung ứng, liên kết đào tạo…
“Sở đã đề nghị các DN XKLĐ giới thiệu các đơn hàng có thu nhập cao, ổn định, chi phí hợp lý cho người lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian làm việc tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp đào tạo, phỏng vấn mới theo quy trình 3-ON: Khai hồ sơ online, phỏng vấn online, đào tạo online. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường hướng dẫn các phòng giao dịch thực hiện cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo kịp thời, thuận lợi, đúng quy định”, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
DN xuất khẩu lao động của tỉnh - Công ty TNHH MTV HR PISICO, đề nghị các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bộ đội xuất ngũ, lao động bị mất việc do dịch Covid-19 trên địa bàn hiểu biết đầy đủ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về XKLĐ. Đây là bước đi quan trọng để giúp người lao động tiếp cận được với các DN XKLĐ uy tín, hạn chế qua khâu trung gian, “cò” để nâng chi phí.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC Quốc tế đã đưa 40 lao động Bình Định xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài. Hiện, đơn vị đang có 30 người lao động Bình Định trúng tuyển các đơn phỏng vấn của DN nước ngoài, chờ xuất cảnh. Ông Trần Quang Chung, Tổng giám đốc Công ty, nói: “Chính sách cho vay vốn cho người lao động tham gia XKLĐ của Bình Định rất tốt. Tuy nhiên, do dịch kéo dài ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế gia đình các thực tập sinh nên DN xin đề xuất nâng mức vay đối với hộ bình thường từ 80% lên mức 100% chi phí trên hợp đồng”.
Kết thúc quý I/2022, theo số liệu tổng hợp từ các trung tâm dịch vụ việc làm, các DN XKLĐ trong và ngoài tỉnh, có 13 người lao động Bình Định đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định Lê Văn Nghinh, nhiều nước (trong đó có Nhật Bản) đã mở cửa trở lại với thực tập sinh. Đây là tín hiệu tích cực đối với người lao động tham gia XKLĐ, nhất là các trường hợp đã vượt qua vòng phỏng vấn nhưng chưa xuất cảnh được do dịch Covid-19. Trong năm 2021, Trung tâm có 69 người lao động đã đậu vòng phỏng vấn nhưng chưa thể xuất cảnh. “Số lượng lao động đang chờ nhập cảnh vào các nước khá lớn. Theo các DN tuyển dụng, người lao động đã đạt vòng phỏng vấn trong năm 2021 sẽ lần lượt xuất cảnh từ nay cho đến hết tháng 5.2022”, ông Nghinh thông tin thêm. |
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn