Duy trì tiền lương ổn định
Trong số 87 DN đã báo cáo về tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương, có 8 Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 7 công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; 60 DN dân doanh và 12 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo, không có DN nợ lương trong năm 2021 dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng nói, thu nhập bình quân của người lao động tăng nhẹ so với năm 2020.
Ở khu vực Nhà nước, thu nhập tiền lương của người lao động trong năm 2021 bình quân 9,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 16,2% so với năm 2020). Khu vực có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, thu nhập tiền lương bình quân 10,4 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập tiền lương bình quân ở khu vực dân doanh là 6,2 triệu đồng/ người/tháng (tăng 1,9% so với năm 2020). Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương bình quân là 9,3 triệu đồng (tăng 0,2% so với năm 2020).
Mức tiền lương cao nhất trong năm 2021 thuộc về khu vực DN dân doanh (101,8 triệu đồng/người/tháng). Đây cũng là khu vực có mức tiền lương thấp nhất với 1,5 triệu đồng/ người/tháng (giảm 40% so với năm 2020). Ở 3 loại hình DN còn lại, mức tiền lương thấp nhất trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Các DN sẽ nỗ lực để có thưởng Tết, động viên người lao động vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với DN. - Trong ảnh: Người lao động tại một DN may mặc ở TX An Nhơn. Ảnh: NGUYỄN MUỘI |
Các DN có số lượng lao động lớn đã và đang nỗ lực duy trì tiền lương ổn định cho người lao động. Với 1.700 lao động, Công ty CP Công nghệ Gỗ Đại Thành đảm bảo mức thu nhập tiền lương bình quân tại DN là 5,6 triệu đồng; trong đó, cao nhất là 22 triệu đồng, thấp nhất 4,2 triệu đồng. Công ty CP Đầu tư An Phát có 1.860 lao động, thu nhập tiền lương bình quân là 6,7 triệu đồng; mức cao nhất là 25,5 triệu đồng, thấp nhất là 4 triệu đồng.
Nỗ lực để có thưởng Tết
60/87 DN nói trên đã có báo cáo về thưởng tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đối với khu vực Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng (tăng 5,6 lần so với năm 2020), thấp nhất 500 nghìn đồng (bằng năm 2020).
Trong trường hợp DN không có kế hoạch thưởng Tết do lợi nhuận không đảm bảo, Sở LĐ-TB&XH mong người lao động (NLĐ) tiếp tục đồng hành, gắn bó với DN để vượt qua khó khăn trước mắt. Bởi, thời gian qua, để đảm bảo việc làm cho NLĐ, các DN đã nỗ lực, gánh gồng nhiều chi phí để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Và, cũng mong rằng người sử dụng lao động ghi nhận sự đồng hành của NLĐ để xây dựng tốt quan hệ lao động “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong DN”. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ĐẶNG VĂN PHỤNG
|
Các DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thực hiện tương đối tốt chế độ tiền thưởng đối với người lao động. Dự kiến thưởng Tết âm lịch cao nhất là 30 triệu đồng (tăng 92,3% so với năm 2020), thấp nhất là 900 nghìn đồng.
Ở khu vực dân doanh, thưởng Tết âm lịch giữa các DN có sự chênh lệch mức thưởng rất lớn. Mức thưởng cao nhất khu vực này là 50 triệu đồng (giảm 15,2% so với năm 2020), thấp nhất là 200 nghìn đồng.
Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết âm lịch bình quân 5,8 triệu đồng (giảm 32,2% so với năm 2020); mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng (giảm 21,1% so với năm 2020), thấp nhất là 100 nghìn đồng (giảm 66,7% so với năm 2020).
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN trong tỉnh chưa công bố mức thưởng tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhận thức được tầm quan trọng của thưởng Tết - phương thức tạo động lực và giữ chân người lao động, song một bộ phận DN cho biết còn phải tính toán, cân nhắc kỹ hơn vì tình hình dịch vẫn còn phức tạp và việc sản xuất, kinh doanh chưa thể phục hồi như trước. Theo đại diện một số DN, mức thưởng sẽ không bằng mọi năm nhưng DN sẽ nỗ lực để có thưởng Tết, động viên người lao động vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với DN.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn