Ba tháng trước, anh Nguyễn Văn Định, 38 tuổi, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, bị thương nặng trong một tai nạn lao động xây dựng dân dụng. Miếng đanh trước căn nhà mà anh và những người thợ khác đang xây đột ngột sập xuống, làm chết một người, làm anh bị thương. Sau thời gian chữa chạy, anh tạm thời qua cơn nguy hiểm nhưng đầu óc vẫn thường xuyên choáng váng. Phải mất ít nhất là nửa năm nữa để anh có thể quay lại với công việc, tiếp tục gánh vác trách nhiệm trụ cột kinh tế gia đình.
Cuộc đời anh Định vốn nhiều gian khó. Anh mồ côi cả cha và mẹ khi còn nhỏ, vì vậy anh xác định mình phải chăm chỉ, nỗ lực hơn người khác nhiều lần để từng bước lập nghiệp, xây dựng gia đình nhỏ. Nói về tai nạn đã xảy ra, bản thân anh không hiểu sai sót đã xảy ra ở khâu nào. Ngẫm lại, chỉ thấy bản thân mình còn may mắn sống sót.
Một tháng trước, ông Trần Văn Lý, 52 tuổi, khu phố 4, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn bị máy xay nước mía cuốn dập 5 ngón tay trái khi đang gia công máy. Với một người có thâm niên 33 năm làm công nhân tại Công ty Cơ khí và Xây dựng Quang Trung như ông, đây là một cú sốc. Nhưng tai nạn lao động luôn rình rập và không chừa một ai.
“Tôi đã thực hiện phẫu thuật đầu tiên. Các bác sĩ đã lắp lại xương bàn tay trái. Có nguy cơ một trong năm ngón tay của tôi bị hoại tử, phải cắt bỏ. Nếu may mắn hồi phục lại, khả năng lao động của tôi không còn như trước. Tôi là người thuận tay trái”, ông Lý tâm sự.
Như ông Lý, anh Đinh Xuân Miên, 40 tuổi, ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cũng là một công nhân của Công ty Cơ khí và Xây dựng Quang Trung. Năm 2012, anh té ngã khi đang làm việc, vỡ xương gót chân; kết quả giám định sức khỏe là suy giảm khả năng lao động 25%. Tám năm trôi qua, di chứng của tai nạn lao động năm nào vẫn còn trong những bước đi không được vững vàng. Anh đã được công ty sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe hiện tại.
Anh Miên chia sẻ: “Giờ tôi không leo trèo được nữa, chỉ ngồi hàn một chỗ. Thu nhập vì thế cũng giảm đi nhiều. Vợ chồng tôi thì nhiều lo lắng bởi hiện tại vẫn chưa cất được nhà riêng, các con đang tuổi đến trường với nhiều khoản chi phí”.
Trong số các trường hợp được lãnh đạo tỉnh và Sở LĐ-TB&XH thăm và tặng quà nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020, trường hợp anh Nguyễn Thành Được (30 tuổi, ở 22 Nguyễn Thị Thập, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) là khó khăn hơn cả. Bốn năm chạy chữa sau tai nạn té từ trên cao xuống trong lúc sửa chữa hệ thống điện cho Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, anh vẫn chưa thể hồi phục. Cuộc chữa trị kéo dài với các phẫu thuật phức tạp về ghép sọ làm cho kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhưng tình yêu thương là động lực để cả gia đình anh Được vẫn kiên trì từng ngày, tìm kiếm những điều kỳ diệu cho anh.
Mỗi gia đình nạn nhân tai nạn lao động là một câu chuyện khác nhau. Nhưng tựu chung lại là nỗi đau dai dẳng, không thể đo đếm, càng không thể bù sớt bằng tiền bạc. Vì vậy, an toàn lao động vẫn luôn là vấn đề tối quan trọng đối với ngành chức năng, người sử dụng lao động và người lao động.