Quan tâm đến lực lượng này, từ năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, DN tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không có hợp đồng lao động trên các lĩnh vực: Làng nghề truyền thống rèn, tiện gỗ mỹ nghệ, đúc đồng (TX An Nhơn), hoạt động khai thác khoáng sản (TX Hoài Nhơn), xây dựng (huyện Tuy Phước)...
Tháng 3 vừa qua, Sở LĐ- TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước và Công ty CP đào tạo Greenlines Việt Nam tổ chức lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không có hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện. Hơn 130 người lao động không có hợp đồng lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở các xã: Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước và thị trấn Diêu Trì đã tham gia lớp huấn luyện. Trước đó, vào năm 2020, cũng có khoảng 130 lao động trong lĩnh vực xây dựng được huấn luyện, trang bị các kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.
Tại lớp huấn luyện, người lao động được hỗtrợnhững kiến thức để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, hiểu rõ hơn các tình huống nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động; các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong xây dựng; an toàn sử dụng một số máy móc, thiết bị xây dựng; phương pháp xây dựng hệ thống quản lý an toàn lao động tại DN... Thợ xây Nguyễn Minh Nhựt (32 tuổi, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Phần lớn chúng tôi học nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc, tự tích lũy, đúc kết mà nên nghề. Từ khóa học, tôi nắm bắt nhiều kiến thức, hiểu về nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn trong thực tế. Tôi sẽ vận dụng những kỹ năng, nguyên tắc mà mình học được vào làm nghề để tự bảo vệ mình, nuôi sống mình và gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Tuy Phước, cho biết: “Kết thúc lớp huấn luyện, người lao động làm bài kiểm tra trắc nghiệm và được cấp chứng nhận đã được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Chúng tôi tin là thông qua khóa huấn luyện, với kiến thức, kỹ năng đã được trang bị và kinh nghiệm làm việc thực tiễn, người lao động sẽ nâng cao nhận thức, ý thức và tìm ra những giải pháp, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động đạt hiệu quả trong quá trình lao động sắp tới, góp phần hạn chế tình trạng xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn”.
Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khó khăn lớn nhất của việc tổ chức các lớp huấn luyện, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không có hợp đồng lao động là việc tập trung người lao động. Hầu hết, người lao động không hào hứng lắm với việc bổ sung kiến thức, kỹ năng này vì chưa ý thức được ý nghĩa, sự cần thiết, sợ ảnh hưởng đến ngày công lao động, thu nhập gia đình. Vì thế, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động nói chung và bộ phận người lao động tự do nói riêng cần tiếp tục được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn