Đã quá trưa 16.10, sân nhà bà Đỗ Thị Hòa, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan nhựa giả mây của thôn Quan Quang (xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) vẫn còn vài chị em cố nán lại đan nốt cho xong sản phẩm. Tỏ ra thành thạo nghề dù bàn tay bị tật, chị Nguyễn Thị Hà - mẹ đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo của thôn, cho biết, chị được bà Hòa hướng dẫn làm nghề và rất tâm đắc. “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng bà Hòa vẫn có hàng đưa tôi và các chị em làm, dù ít hơn một chút, nhờ vậy, mấy tháng qua có thu nhập đều đặn”, chị Hà trò chuyện.
Ngồi kế bên, chị Đinh Thị Vũ, mẹ đơn thân nuôi ba con nhỏ và cũng là hộ nghèo của thôn, gật đầu đồng tình: “Trồng trọt, chăn nuôi mùa dịch giã chi phí cao lại không bán được. Một số chị đến đây học nghề từ bà Hòa rồi nhận về nhà làm, có chị mỗi ngày kiếm được 150 - 200 nghìn đồng”.
Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác Đỗ Thị Hòa, vài tuần qua dịch tạm lắng, công ty mà bà nhận hàng gia công gửi đến rất nhiều hàng. Ngoài 20 người làm ở quanh nhà, bà còn tổ chức 11 điểm khác, bình quân mỗi điểm khoảng 20 người tham gia làm. Không chỉ phát triển mạnh mẽ ở TX An Nhơn, nghề đan nhựa giả mây còn có mặt tại nhiều địa phương khác.
Cùng với nghề đan nhựa giả mây, một số ngành nghề khác như may gia công, nấu đám tiệc, nấu suất ăn công nghiệp... cũng có xu hướng phát triển đón đầu nhu cầu sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Phụ nữ trong tỉnh đang nỗ lực học hỏi, tiếp cận để tạo việc làm và có thu nhập. Theo khảo sát của Hội LHPN tỉnh, một số chị em đã chủ động chuyển hướng sang bán nông sản online, đặc biệt một số chợ như chợ Nhơn Phong (TX An Nhơn) đã triển khai mô hình bán hàng online bằng cách giới thiệu sản phẩm có trong phiên chợ hôm đó lên một trang web, khách sẽ được giao hàng tận nhà.
Từ tuần trước, Hội LHPN tỉnh phối hợp với hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố lần lượt tổ chức các buổi sinh hoạt mô hình phụ nữ khởi nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và định hướng chị em khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Tại buổi sinh hoạt của huyện Tây Sơn vào chiều 8.10, một số chị em bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc duy trì những ngành nghề truyền thống cần mở thêm dịch vụ phụ trợ để có thu nhập như cung cấp gas, bếp từ, học may, nấu đám tiệc. Tại buổi sinh hoạt ngày 15.10 tại xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ), nhiều hội viên bày tỏ mong muốn thành lập các tổ liên kết phát huy nghề làm ớt tương, kiệu của quê hương và được học những nghề phù hợp trong điều kiện sống chung với dịch.
Cùng với nỗ lực của chị em cơ sở, Hội LHPN tỉnh cũng tích cực kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, phụ nữ. Thống kê trong những tháng qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Tuy Phước tiêu thụ 3,3 tấn rau củ quả cho các xã Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thành. Hỗ trợ tiêu thụ 935 kg nông sản cho phường Đập Đá, xã Nhơn Khánh, xã Nhơn Phong và hơn 50 kg dưa cho HTX Nhơn Thọ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệu, Trưởng Ban Kinh tế, Hội LHPN tỉnh mong muốn thời gian tới, chị em mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình và tìm kiếm, học hỏi, áp dụng những mô hình kinh doanh mới như mua bán online, nhận hàng về nhà làm trong thời gian nông nhàn… vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa có thu nhập cho gia đình.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn