Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 sẽ diễn ra vào ngày 23.5. Đây là năm đầu tiên Lễ phát động của hai Tháng hành động lại diễn ra vào tuần kề cuối tháng 5. Riêng Tháng hành động ATVSLĐ sẽ được bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào ngày 20.6 thay vì diễn ra trọn vẹn trong tháng 5 như các năm trước. Các hoạt động liên quan sẽ diễn ra trong quy mô vừa, đảm bảo các yếu tố an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Đảm bảo an toàn
Tháng Công nhân năm 2020 có chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ là “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Các chủ đề đều hướng tới yếu tố an toàn cho người lao động tại nơi làm việc - vấn đề cốt lõi để thúc đẩy sản xuất, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, Sở đã tiếp nhận khai báo 554 máy, thiết bị, vật tư nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định và quan trắc môi trường lao động của 34 DN. Ngành Y tế đã khám sức khỏe định kỳ cho 21.043 người lao động (tăng 6,4% so với năm 2018). Phối hợp với Cục quản lý Môi trường Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội khám sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho 648 công nhân khai thác, chế biến đá granite, sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng tại 4 đơn vị: Công ty CP BICEM, HTX Sản xuất đá và Xây dựng Bình Đê, Công ty CP Gạch Tuy Nen Bình Định, Công ty CP Phú Tài.
Từ báo cáo của 121 DN, có 125 vụ tai nạn lao động làm bị thương và chết 127 người. Trong đó, chết 5 người, bị thương nặng 9 người. Riêng ở khu vực không có quan hệ lao động, báo cáo của 11 huyện, thị xã, thành phố cho thấy đã xảy ra 7 vụ tai nạn lao động. Trong đó, có 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 1 người.
Nguyên nhân được xác định là do phần lớn các cơ sở, DN ở quy mô vừa, nhỏ, điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nên kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ ít, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động còn hạn chế. Người lao động do khó khăn về kinh tế nên sẵn sàng làm việc trong điều kiện, môi trường còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin về ATVSLĐ. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức.
Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2020, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, tư vấn các chính sách pháp luật về ATVSLĐ. LĐLĐ tỉnh hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện các nhiệm vụ tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sở Y tế triển khai các hoạt động quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các DN. Sở NN&PTNT phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng tránh nhiễm độc khi sử dụng thuốc hóa học trong quá trình sản xuất nông nghiệp và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân, các khu sản xuất nông nghiệp tập trung và làng nghề...
Chăm lo đời sống người lao động
Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. LĐLĐ tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên; tìm kiếm các đối tác mới để triển khai chương trình phúc lợi; vận động và phối hợp cùng các đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng, tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi. LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, các công đoàn ngành và công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh chỉ đạo 100% công đoàn cơ sở trong DN trực thuộc cấp mình tổ chức ít nhất một hoạt động chăm lo lợi ích cho người lao động.
LĐLĐ tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19 nhân Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. Đối tượng hướng đến là người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động nặng, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà chưa được hưởng chế độ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 42/NQ-CP. LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cấp công đoàn tổ chức thẩm định các trường hợp đề nghị hỗ trợ. Tùy theo diễn biến dịch Covid 19 để tổ chức trao hỗ trợ hoặc ủy quyền cho LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành tỉnh, công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh thực hiện việc thăm, trao quà cho người lao động.