Sụt giảm, đình trệ
Nối tiếp thành công năm 2019, xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2020 tăng chỉ tiêu từ 600 người (năm 2019) lên 800, tuy nhiên, công tác này ngay đầu năm đã vấp phải trở ngại khách quan bởi dịch Covid-19. Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt đứng thứ 5 và 2 trong số 42 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch (theo Báo Tuổi trẻ, tính đến trưa ngày 26.2), đồng thời cũng là thị trường lớn nhất, nhì của XKLĐ Bình Định, càng khiến cho công tác này khó khăn.
Ghi nhận từ một số đơn vị tham gia tư vấn, xúc tiến, hỗ trợ XKLĐ trong tỉnh, hiện tại, mặc dù nhu cầu tuyển dụng vẫn cao, phong phú ngành nghề như các năm trước, song lượng lao động đến đăng ký tham gia sụt giảm đến 2/3. Nguyên nhân chủ yếu là bởi tâm lý lo ngại của người lao động và gia đình. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định (thuộc Sở LĐ-TB&XH) Lê Văn Nghinh, hiện nhu cầu tuyển dụng thông qua đơn vị là khoảng 300 lao động, đại đa số tại Nhật Bản. Cùng kỳ mỗi năm trước, Trung tâm giới thiệu được khoảng 100 người, năm nay mới chỉ 31 người. “Tuy tạm ngừng tổ chức sàn giao dịch lưu động hay các hoạt động truyền thông, tuyển dụng tập trung nhưng Trung tâm vẫn thực hiện tiếp nhận, tư vấn như bình thường, song lượng lao động đến đăng ký rất ít. Không riêng mảng xuất khẩu mà tình hình lao động chung cũng ngưng trệ”, ông Nghinh cho biết.
Từ đầu tháng 2.2020, facebook của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định (thuộc Sở LĐ-TB&XH) thường xuyên đăng nhiều đơn hàng tuyển lao động xuất khẩu, chủ yếu tại Nhật Bản, mỗi đơn vài chục lao động nam - nữ, công việc phong phú mức thu nhập lý tưởng trên 30 triệu đồng/tháng. Nhu cầu dồi dào, hấp dẫn là vậy song lượng lao động đăng ký tham gia cũng sụt giảm mạnh. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phan Thanh Trị, đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tư vấn tuyển dụng được 15 người, đạt chỉ 30% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung, các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến XKLĐ cũng bị đình trệ trước mối lo dịch Covid-19.
Chủ động chuẩn bị
Công tác XKLĐ trong tỉnh nhiều năm gần đây, nhất là tại thị trường quen, ổn định như Nhật Bản, đã, đang chứng tỏ là con đường thoát nghèo, vươn lên nhanh, hiệu quả, do vậy có sức hấp dẫn lớn với nhiều lao động trẻ. Ngay trong mùa dịch, khi các hoạt động xúc tiến bị gián đoạn, một bộ phận thanh niên vẫn tự tìm đến các trung tâm để được hỗ trợ tham gia.
Đơn cử như cả thảy 31 lao động đang được Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tiến hành hỗ trợ đưa đi, đều do họ tự tìm hiểu và quyết tâm đi. Chị Võ Thị Thúy Oanh, 26 tuổi, ở xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để đủ điều kiện đi phải mất khoảng nửa năm, nên tôi nghĩ mình chuẩn bị sớm và tốt cũng không thừa”. Cùng suy nghĩ như chị Oanh, anh Nguyễn Xuân Viên, 21 tuổi, bộ đội vừa xuất ngũ, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, cũng chọn cách chủ động chuẩn bị để có thể tham gia ngay khi đủ điều kiện.
Theo khuyến cáo của các trung tâm tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu, với quãng thời gian chuẩn bị khá dài, người lao động không nên quá lo ngại mà tranh thủ chuẩn bị để có thể tham gia ngay khi đủ điều kiện. Bên cạnh sự chủ động của người lao động, Sở LĐ-TB&XH cùng các đơn vị tham gia công tác XKLĐ cũng chuẩn bị các kế hoạch để tăng tốc, bù vào khi dịch tạm ổn, qua đi.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, theo ông Phan Thanh Trị, các lao động đã trúng tuyển cuối năm 2019 đến nay lịch xuất cảnh vẫn như dự kiến. Từ nay đến giữa tháng 3, có 6 lao động do Trung tâm tư vấn sẽ xuất cảnh. “Hiện Trung tâm nhận được đơn hàng của 10 DN với tổng số lao động cần tuyển hơn 100 người, chuẩn bị phỏng vấn trong tháng 3, chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản, cơ khí, xây dựng. Trung tâm sẽ cho triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020 là tư vấn tuyển dụng 150 lao động”, ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, cho biết.