Phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Thứ bảy - 17/11/2018 21:51
Với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 (từ ngày 15.11 đến 15.12) đã được UBND tỉnh phát động đến tất cả các ngành, đơn vị, địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tặng quà cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và phân công cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới. Công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả khả quan.
Nhiều nỗ lực
Điểm dễ nhận thấy nhất là khoảng cách giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm được rút ngắn; khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế của phụ nữ nghèo, nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng lên. Phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng tốt. Toàn tỉnh hiện có trên 900 cán bộ làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ.
Các mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới đang làm tốt hoạt động tăng cường kiến thức, kỹ năng tự vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ kịp thời các nạn nhân của bạo lực. Theo Hội LHPN tỉnh, đến nay, có 302 mô hình, CLB tuyên truyền, phổ biến pháp luật, 523 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động như: hội thi phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tìm hiểu về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng hạnh phúc gia đình, tọa đàm “Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình”...
Sau 10 năm Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã truy tố 64 vụ/70 bị can có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình. Trong đó, tội giết người 26 vụ/26 bị can, tội cố ý gây thương tích 32 vụ/38 bị can, tội bức tử, hành hạ người khác 2 vụ/2 bị can, bạo lực tình dục 4 vụ/4 bị can. Cùng với các biện pháp xử lý người gây ra bạo lực gia đình, việc tổ chức các hoạt động can thiệp, hỗ trợ nạn nhân đã được quan tâm. Chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, đại diện các CLB về phòng chống bạo lực gia đình đã can thiệp, phân tích đúng sai, góp ý, hòa giải, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ gia đình, làng xóm.
Sự chuyển biến về nhận thức, hành động của nam giới góp phần không nhỏ trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
- Trong ảnh: Cha và con trai cùng vào bếp thực hiện một bữa cơm gia đình tại Hội thi “Đàn ông xây tổ ấm” diễn ra tại huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 14.11.
Ông Nguyễn Thu Cảnh, Phó Chủ nhiệm CLB phòng chống bạo lực gia đình xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước chia sẻ: “Thành lập từ năm 2017 đến nay, CLB đã triển khai nhiều hoạt động lồng ghép tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xây dựng một điểm tạm lánh tại trạm y tế xã. Điểm đáng mừng là đến nay chưa có một trường hợp bạo lực gia đình nào cần đến sự vào cuộc của chính quyền địa phương, bởi các trường hợp mâu thuẫn, bạo lực tại gia đình đều đã được các chi hội tham gia hòa giải tích cực”.
Cần hành động, lên tiếng
Thời gian qua, các vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tiếp tục là một trong những vấn đề nóng. Điểm chung trong câu chuyện của hầu hết nạn nhân bạo lực là sự cam chịu, nín nhịn vì mong muốn gia đình ấm êm, khỏi xấu mặt với bà con, vì không muốn con cái thiệt thòi, vì lý do kinh tế..., trong khi đa số đều hiểu: sự im lặng của mình chính là tiếp tay cho bạo lực, cho những ngày tháng đày đọa triền miên. Nhiều người xung quanh các gia đình có nạn bạo lực gia đình cũng bức xúc nhưng nhiều người vẫn chọn im lặng vì đó là “chuyện nhà người ta”, vì không muốn gây thù, chuốc oán...
Có lẽ vì vậy mà trong 14 thông điệp tuyên truyền cho Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, có đến 7 thông điệp kêu gọi hành động, lên tiếng: “Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn”; “Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại”; “Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!”...
Chọn chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2018 khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự quan tâm, vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết về một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Phát biểu tại Lễ phát động cấp tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh việc đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 5 năm và hàng năm ở tất cả các cấp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội cùng góp sức.
“Ðiểm chung trong câu chuyện của hầu hết nạn nhân bạo lực là sự cam chịu, nín nhịn vì mong muốn gia đình ấm êm, khỏi xấu mặt với bà con, vì không muốn con cái thiệt thòi, vì lý do kinh tế..., trong khi đa số đều hiểu: sự im lặng của mình chính là tiếp tay cho bạo lực, cho những ngày tháng đày đọa triền miên”. |
Theo Báo Bình Định