Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong đó, Bộ đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ khôi phục kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Nhân dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Theo đó, đã thực hiện hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng kinh phí trên 35,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động theo Nghị quyết số 116/NQ-CP với tổng kinh phí trên 30,5 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và gắn với thực thi nghiêm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Theo đó, chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ngày càng hoàn thiện, từng bước tạo lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; an sinh xã hội được đảm bảo. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; 86% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đạt được trong năm 2021, góp phần cùng với cả nước hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Hỗ trợ giải quyết việc làm, đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại những thị trường mà người lao động được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã; kịp thời phối hợp, chỉ đạo, triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện đầy đủ chính sách và đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng, chống tiêu cực trong thực hiện chính sách. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Nguồn tin: Theo binhdinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn