Còn xa mục tiêu
Theo báo cáo của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, năm học 2021 - 2022, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS theo học trung cấp tại hai đơn vị là 1.331 em, ước đạt 5,98% so với tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.
|
Thực hiện: N.M |
Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn đã tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, so với Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh” thì những kết quả này còn xa mục tiêu đề ra. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh sau THCS học trung cấp đạt 2,64% so với chỉ tiêu 5%; năm học 2020 - 2021, đạt 3,49% so với chỉ tiêu 10%; năm học 2021 - 2022 ước đạt 5,98% so với chỉ tiêu 15%. Như vậy, sau 3 năm học, tỷ lệ học sinh sau THCS tiếp tục học tập trung cấp nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn chỉ đạt trung bình khoảng 40% so với chỉ tiêu đặt ra.
Trong khi đó, tại một số tỉnh, kết quả phân luồng học sinh THCS đã khá nổi bật. Đơn cử như tỉnh Đồng Nai, số lượng tuyển sinh trung cấp sau phân luồng THCS năm 2014 hơn 4.000 học sinh, đến năm 2019 là hơn 12.200 em. Tại một số nước trong khu vực như Singapore, 65% học sinh chọn các trường nghề, viện kỹ thuật sau THCS.
Nhiều rào cản
Tại nghiên cứu “Thực trạng và đề xuất một số giải pháp về nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam” trên Tạp chí Công Thương số 8+9/2021, Th.S Mai Thanh Hằng đã chỉ ra một số thực trạng đáng báo động. Cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp. Theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.
|
Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Nông lâm Trung bộ nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín để tiếp tục thu hút học sinh sau THCS đăng ký học trung cấp nghề tại trường.
- Trong ảnh: Sinh viên nghề thú y được hướng dẫn thực hành. Ảnh: N.M |
Đáng chú ý, hầu hết mọi người vẫn còn mặc định về lộ trình học tập của một người trẻ. Đó là học hết cấp II thì sẽ cố gắng thi đỗ lên cấp III; hết cấp III lại tiếp tục thi lên đại học, cao đẳng. Vì vậy, việc chuyển hướng sang học nghề vẫn là một điều hết sức mới lạ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội sẽ làm lãng phí thời gian và tiền bạc của thanh niên và phụ huynh. Trong khi đó, lực lượng lao động qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp) có tỷ lệ thấp, cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ””, ông Lê Xuân Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, phân tích thêm.
Trưởng thành từ sinh viên nghề, anh Đinh Tấn Thiện - Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Phụ kiện và nhà thép Nhất, cựu sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn - nhấn mạnh: “Thu nhập của những người học nghề nghiêm túc, bài bản, nỗ lực không hề thua kém những người có bằng cấp cao. Thời gian qua, Công ty thường xuyên tiếp nhận sinh viên thực tập, sinh viên sau tốt nghiệp vào làm việc. Đến nay, hơn 60% công nhân viên, người lao động tại Công ty tốt nghiệp tại trường. Cơ hội việc làm cho sinh viên nghề rất lớn”.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để làm tốt công tác phân luồng, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, công tác phân luồng cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các đơn vị, ngành liên quan.
Hoạt động truyền thông làm thay đổi nhận thức cần bắt nguồn từ các trường THCS, trực tiếp là đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm là người sâu sát, hiểu rõ nhất năng lực, nguyện vọng, đam mê của học sinh, có mối quan hệ mật thiết với phụ huynh, nên dễ dàng chia sẻ, tác động đến tư tưởng cho phụ huynh, học sinh. Bộ phận hướng nghiệp trong các trường học cũng cần được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị, được cập nhật về kỹ năng hướng nghiệp, hỗ trợ thông tin cho học sinh.
Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định”, mục tiêu của phân luồng học sinh là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo đó, đến năm 2025, Bình Định phải phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp là 40%.
|
Đối với các địa phương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa 7 nhóm giải pháp đã được UBND tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Trong đó, có những giải pháp quan trọng như nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông…
Đặc biệt là cần tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; lập kế hoạch giảm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp với mục tiêu.
Việc phân luồng học sinh phổ thông là bài toán vĩ mô, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành. Ông Lê Xuân Nguyên đề xuất thêm: Các cơ quan Trung ương cần có quy hoạch tổng thể về cơ cấu đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc và phân theo vùng, miền nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển KT-XH, tránh bị chồng chéo, lãng phí, giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo chuyên môn được đào tạo. Bộ GD&ĐT cần có quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động triển khai việc dạy văn hóa THPT.
Về phía các trường nghề, cần đầu tư trang bị thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo; các chương trình đào tạo xây dựng cần có tính liên thông nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được học liên thông lên trình độ cao hơn. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo; liên kết với DN để tạo việc làm cho người học nhằm tăng niềm tin của xã hội vào đào tạo nghề.