Nắm bắt kỹ thuật mới
Có diện tích đất vườn lớn, vừa trồng đậu, mì, bắp, anh Lê Văn Thiên (34 tuổi, ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát) còn chăn nuôi gà. Năm nay, khi địa phương và các đơn vị liên quan tuyển sinh lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, anh Thiên tham gia ngay.
“Tôi đã nuôi gà 2 năm. Ở vùng của tôi, chăn nuôi khá phát triển khi mình có thể tận dụng nông sản địa phương để làm nguồn thức ăn. Tham gia học tại lớp nghề Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, tôi biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng, chữa các loại bệnh của gà, biết loại thuốc đặc trị cho từng loại bệnh. Mình sẽ tự tin “bắt bệnh”, dùng thuốc cho gà”, anh Thiên cho biết.
Giảng viên lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho gà hướng dẫn học viên xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) kỹ thuật tiêm trên vật nuôi. Ảnh: N.M |
Nhà anh Thiên cũng là nơi triển khai giờ học thực hành của lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tại đây có khoảng 100 con gà do lớp học đầu tư để trao đổi kiến thức, luyện tập các kỹ năng trong giờ thực hành.
Tham gia lớp nghề nông nghiệp Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, hơn 30 học viên là lao động nông thôn ở xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) đã sắp xếp thời gian, tham gia đầy đủ các giờ học, bài kiểm tra theo lịch của lớp. Ông Trần Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Quang, cho biết: “Việc tổ chức các lớp ở trụ sở thôn, học lý thuyết vào buổi tối, khi người dân đã xong việc nhà, đồng áng; giờ học thực hành được bố trí hợp lý, nên bà con có thể tiết kiệm được thời gian, nỗ lực tham gia lớp. Phần lớn người dân trên địa bàn xã nuôi bò theo tập quán, kinh nghiệm từ xưa truyền lại. Đây cũng là dịp bà con nắm bắt kỹ thuật, kiến thức mới, áp dụng vào chăn nuôi để tăng thu nhập”.
Ông Mang Văn Dự (58 tuổi, ở thôn Lộc Ngãi, xã Phước Quang) đã nuôi bò hơn 30 năm. Ông và những người nông dân nơi đây nhờ con bò mà từng bước có nguồn thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, kinh tế khá hơn trước. Ông nói: “Tôi vừa bán 2 bò mẹ và 2 bò con, chuồng đang để trống, dự định sẽ mua lại 2 nghé để nuôi đợt tiếp theo. Nuôi bò sợ nhất là bò bệnh, mình mất vốn. Tham gia lớp nghề này, tôi biết thêm nhiều kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh, cùng với kinh nghiệm đã có, mong việc chăn nuôi sẽ ngày càng hiệu quả hơn”.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian đến, các địa phương như Tuy Phước, Phù Cát dành nhiều sự quan tâm cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phó trưởng Phòng LĐ- TB&XH huyện Phù Cát Trần Văn Nghiêu cho biết: Để triển khai các lớp nghề hiệu quả, khâu tuyển sinh cần được chuẩn bị kỹ. Các xã, các đơn vị liên quan đã khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp phù hợp với nhu cầu của người học và định hướng phát triển KT-XH của địa phương.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, nói thêm: “Nhu cầu học nghề của bà con tương đối lớn. Để tăng cơ hội tiếp cận với kiến thức, kỹ năng nghề, nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững, các lớp nghề tập trung tuyển sinh nhóm đối tượng được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định, gồm: Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khái niệm người lao động có thu nhập thấp chưa rõ, chúng tôi mong các cơ quan cấp trên sớm có hướng dẫn để địa phương có thể triển khai”.
Là địa phương được phê duyệt kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) đang dồn lực để hoàn thành các tiêu chí. Ông Trần Quốc Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Quang, cho rằng: “Từ các lớp nghề cho lao động nông thôn, người dân biết áp dụng vào làm kinh tế, nâng cao thu nhập. Đây là một trong những yếu tố góp phần đạt tiêu chí về thu nhập, về lao động trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát nhu cầu người dân để đăng ký các lớp nghề thiết thực, hiệu quả”.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn