Hoạt động thu hút sự tham gia của gần 3.000 học sinh khối 12 của 9 trường THPT trong tỉnh. Trong đó, có gần 2.000 học sinh có nhu cầu học đại học, cao đẳng; hơn 1.000 học sinh có nhu cầu học nghề, tìm việc làm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, có trên 200 lượt lao động trẻ được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm tại các DN ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu, cụm công nghiệp các tỉnh phía Nam như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…
Lớp nghề Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò do Trung tâm GDNN Bình Định phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước mở cho lao động nông thôn xã Phước Quang trong năm 2022. Ảnh: N.M |
Đơn vị cùng các DN được cấp phép về công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn đăng ký cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Kết quả, đã tư vấn cho gần 150 lao động là thanh niên có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; trong đó có 40 người đăng ký, lựa chọn ngành nghề và đã tham dự phỏng vấn đi làm việc ở nước ngoài, đạt 95% kế hoạch năm đề ra.
Đáng chú ý, Trung tâm GDNN Bình Định đã thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) cho gần 1.200 lao động nông thôn. Theo Giám đốc Trung tâm Trần Hữu Hiệu, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 80%. Người lao động tự tạo việc làm theo nghề mới học hoặc tiếp tục công việc, nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập đã tăng lên.
“Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới”, ông Hiệu cho hay.
Anh Lê Văn Thiên (34 tuổi, ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát; học viên lớp Nuôi và phòng trị bệnh cho gà do Trung tâm GDNN Bình Định phối hợp với địa phương tổ chức) cho biết: “Sau khi kết thúc lớp, kiến thức về dịch bệnh, thuốc trị bệnh cho từng loại bệnh giúp tôi tự tin, mạnh dạn mở rộng việc chăn nuôi gà. Tôi tận dụng vườn rộng, thường xuyên trồng các loại đậu, bắp, mì… nên có nguồn thức ăn phong phú cho đàn gà”.
Vừa bế giảng vào tuần đầu tháng 10.2022, lớp nghề Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò cho lao động nông thôn tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) đã giúp 35 học viên trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo cho bò thịt, bò vỗ béo; các loại thuốc dùng cho bò, phòng và trị một số bệnh ở trâu, bò. Thông qua mô hình nuôi bò vỗ béo, nguồn thuốc, vắc xin… được lớp trang bị, người lao động được thực hành, nâng cao tay nghề.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, nhấn mạnh: “Với những kiến thức, kỹ thuật học được, các học viên sẽ nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi bò, có kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi... Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới”.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn