Với mục tiêu đào tạo học viên phải làm được việc, đảm bảo tay nghề, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định đã tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề, có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Bám sát nhu cầu người học
Để đào tạo hiệu quả, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định xác định phải bám sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn, giúp học viên phát huy kiến thức được học vào thực tiễn, góp phần nâng cao thu nhập. Trong đó, các nghề nông nghiệp như trồng nấm, làm rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm… được ưu tiên hàng đầu. Phần lớn nông dân làm theo kinh nghiệm truyền miệng, chưa qua đào tạo nên hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi chưa như mong đợi. Do đó, các giảng viên tập trung cung cấp kiến thức cơ bản về phòng, trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; cập nhật nội dung mới hằng năm, giúp lao động nông thôn nắm đầy đủ, kịp thời các bệnh thường gặp và cách chữa trị phù hợp.
Lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà tổ chức ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Ảnh: NGUYỄN MUỘI |
Bên cạnh nghề nông, gần đây, số lượng học viên bày tỏ mong muốn học nghề chế biến món ăn ngày càng cao. Theo ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, nghề này được ưa chuộng bởi tỷ lệ có việc làm cao, vừa có thể làm thuê, vừa có thể tự kinh doanh. Ngoài các lớp thông thường, Trung tâm còn mở lớp theo hình thức xã hội hóa. Để đào tạo hiệu quả, giảng viên chuẩn bị giáo án linh hoạt, tăng cường trao đổi, tương tác, cung cấp kiến thức về kỹ thuật chế biến món ăn lẫn kỹ năng khởi nghiệp.
Ngoài ra, nhằm giúp người học thêm chắc tay nghề, vững kiến thức, xuyên suốt quá trình đào tạo, các tiết thực hành được chú trọng với đầy đủ dụng cụ, mẫu vật để học viên tự tay thực hiện thao tác theo sự hướng dẫn của giảng viên.
Dựa theo nhu cầu của học viên, Trung tâm còn phối hợp với địa phương thành lập các tổ liên kết, mô hình kinh doanh giúp người học có nơi áp dụng kiến thức bài bản, góp phần tăng thu nhập. Một số tổ liên kết đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Tổ chế biến món ăn ở xã Hoài Mỹ, phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), tổ liên kết nuôi tôm ở xã Phước Hòa, tổ liên kết trồng rau sạch ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước)…
Ông Trần Hữu Hiệu cho biết: “Năm 2022, Trung tâm đào tạo 490 lao động nông thôn. Qua khảo sát, hơn 80% học viên thuộc lĩnh vực nông nghiệp tăng năng suất, thu nhập khá hơn trước khi học; hơn 90% học viên thuộc nghề kỹ thuật chế biến món ăn có việc làm hoặc khởi nghiệp đúng nhu cầu”.
Hiệu quả thực tế
Nhờ các lớp học nghề, nhiều lao động nông thôn được trang bị kiến thức bổ ích, cải thiện tay nghề, dần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập.
Tham gia lớp học về trồng và chăm sóc rau sạch do Trung tâm tổ chức vào tháng 8.2022, anh Nguyễn Văn Khoa (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) đã hiểu thêm về bệnh của cây trồng, nhận biết các giống sâu hại và cách loại trừ nhưng vẫn giữ cho rau an toàn. Cùng với kiến thức về phân bón đã học, từ cuối năm 2022, anh Khoa liên kết với các hộ dân trong vùng dùng gốc rau để ủ, tạo phân hữu cơ, vừa tiết kiệm chi phí, hạn chế rác thải ra môi trường, vừa đảm bảo chất lượng cho từng lứa rau.
“Hiệu quả của việc tham gia lớp đào tạo nghề thể hiện rõ nhất ở việc tôi đã thay đổi cách trồng và chăm vườn rau. Tôi đã tự tin áp dụng kiến thức về khoa học kỹ thuật, chọn phòng bệnh thay vì chữa bệnh như trước. Nhờ đó, năng suất ngày càng tăng”, anh Khoa phấn khởi nói.
Tương tự, nhờ lớp trồng và nhân giống nấm ở địa phương, chị Đỗ Thị Nghiệp (ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) đã có nghề mới và quyết định khởi nghiệp, thu nhập mỗi tháng tăng 4 - 6 triệu đồng so với trước. Chị Nghiệp chia sẻ, nhờ cách truyền đạt gãy gọn, đầy đủ thông tin của giảng viên, những phụ nữ nông thôn như chị ai cũng hiểu và nắm chắc từng bước. Bởi vậy, chị em hào hứng, rủ nhau cùng trồng thêm nấm để tăng thu nhập.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn