Ngày 12.9, Sở LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2023 và xây dựng kế hoạch năm 2024.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và kinh phí đối ứng của địa phương đã phân bổ vốn, hỗ trợ kinh phí đầu tư các ngành nghề trọng điểm; hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục thường xuyên (GDTX). Về công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, Sở phối hợp với Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tổ chức lớp bồi dưỡng về xây dựng, phát triển chương trình, tài liệu và kỹ năng dạy học theo tín chỉ cho đội ngũ nhà giáo GDNN, người dạy nghề năm 2023 cho 60 nhà giáo, người dạy nghề tại các cơ sở GDNN, cơ sở có tham gia hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh.
|
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DƯƠNG LINH |
Về công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và mức chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở đặt hàng 8 cơ sở GDNN tổ chức xây dựng, thẩm định định mức kinh tế kỹ thuật trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt định mức cho 21 nghề; đặt hàng cho các cơ sở GDNN đủ điều kiện để tổ chức xây dựng mức chi phí đào tạo của 23 nghề, trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp là 16 nghề, lĩnh vực nông nghiệp 7 nghề.
Về kết quả đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ người học nghề, theo báo cáo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, 8 tháng đầu năm 2023, số học sinh, sinh viên tuyển mới là 13.703 người, đạt 66,84% kế hoạch năm. Số học sinh, sinh viên được cấp bằng/chứng chỉ sơ cấp/chứng chỉ đào tạo tốt nghiệp ra trường là 10.030 người. Tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập trên 80%. Kết quả đào tạo theo các Chương trình MTQG, đến nay, đã tuyển sinh đào tạo 2.045 người, đạt tỷ lệ 58,43% kế hoạch với kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng.
Sở cũng hỗ trợ 7 DN đào tạo các nghề: May công nghiệp, cơ khí hàn, gia công sản phẩm mộc, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ nhà hàng cho 770 lao động. Đến nay, có 7 DN ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ Hội Sinh vật cảnh tổ chức tập huấn cho 300 người, với kinh phí 31,5 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ người học nghề, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Tài chính thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề qua thẻ cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ CA năm 2022 cho các cơ sở GDNN với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Về thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tại thời điểm báo cáo, có tổng số 3.659 học sinh, sinh viên còn dư nợ với số tiền hơn 130 tỷ đồng; phối hợp với CA tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tư vấn học nghề, việc làm. Kết quả, Trung tâm GDNN Bình Định phối hợp với Trại giam Kim Sơn tư vấn học nghề, việc làm cho 92 phạm nhân sắp mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng…
Trong những tháng còn lại năm 2023, với mục tiêu thay thế nguồn nhân lực rẻ, phổ thông bằng nguồn nhân lực có chất lượng cao theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và nhu cầu xã hội nhằm tăng cường tính cạnh tranh để thu hút đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư chuẩn bị đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh; Sở LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 6.700 người; số học sinh, sinh viên được cấp bằng/chứng chỉ sơ cấp/chứng chỉ đào tạo tốt nghiệp ra trường là 7.500 người; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62,1%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2023 đạt 62,1%. Năm 2024, Sở đặt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 20.500 người; phấn đấu chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 64%.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ban ngành, các hiệp hội, DN, cơ sở GDNN, địa phương tập trung một số giải pháp trọng tâm: Đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của người lao động, phù hợp với phát triển KT-XH của địa phương; các cơ sở GDNN chủ động liên kết với các DN, các nhà tài trợ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi học nghề; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, GDNN…