Đáp ứng yêu cầu đào tạo, ứng dụng thực tiễn
Giành giải cao nhất tại Hội thi là Mô hình điều khiển, giám sát ứng dụng IoT trong công nghiệp của nhóm tác giả Trần Trọng Kiệm, Mai Văn Quang và Phạm Văn Phát (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn). Mô hình này đang góp phần giúp việc dạy và học các mô đun, môn học liên quan đến việc truyền thông, điều khiển và giám sát áp dụng công nghệ số đạt hiệu quả cao.
Theo nhà giáo Mai Văn Quang, thiết bị khơi gợi, tạo sự đam mê, yêu thích nghề cho HSSV, giúp tăng khả năng thích ứng thực tế khi đi làm. Các công nghệ sử dụng trong thiết bị có tính ứng dụng cao cho điều khiển và giám sát trong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền công nghiệp 4.0. Mô hình cũng có ý nghĩa thực tiễn khi thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng trong xây dựng những mô hình nhà kính mini, tận dụng không gian trống trên sân thượng các chung cư, nhà ở để xây dựng khu vườn xanh thông minh trong thành phố; phục vụ cho việc giám sát, điều khiển các thông số môi trường trong nhà máy, trường học, nơi làm việc…
Mô hình thiết bị đào tạo công nghệ thông tin đa năng (đoạt giải ba tại Hội thi) được nhóm tác giả Trần Văn Thắng, Nguyễn Hữu Chung (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) hình thành và đưa vào hoạt động đào tạo được 2 năm. Nhà giáo Trần Văn Thắng cho biết: “Mô hình được đưa vào hoạt động giảng dạy hằng ngày đối với các mô đun, môn học liên quan đến máy tính và công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực về mạng máy tính, hệ thống giám sát. Các thiết bị công nghệ thông tin thường rời rạc. Chúng tôi đã lên ý tưởng hệ thống các thiết bị lại trên cùng một mô hình để giúp SV hình dung được bao quát, khi ra trường là bắt tay vào làm việc được ngay”.
Phối hợp giữa nhiều bộ phận
Để có được những thiết bị chất lượng, tính ứng dụng cao, các trường nghề đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà giáo. Đặc biệt, một số thiết bị, mô hình là sự phối hợp của nhiều bộ phận, nhiều khoa, phòng chuyên môn. Chẳng hạn, Mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, đoạt giải nhì) có sự phối hợp giữa hai nhà giáo khoa Điện và hai cán bộ Tổ Quản trị mạng. Mô hình thiết bị đào tạo công nghệ thông tin đa năng được hình thành từ sự phối hợp giữa nhà giáo khoa Khoa học cơ bản - giảng dạy chuyên ngành Máy tính và công nghệ thông tin, cùng khoa Điện - Điện tử - giảng dạy chuyên ngành Điện công nghiệp…
Mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) có sự phối hợp giữa hai nhà giáo khoa Điện và hai cán bộ Tổ Quản trị mạng. Ảnh: N.M |
Một số thiết bị, mô hình còn có sự tham gia của SV. Thiết bị Máy hàn điểm một phía (đạt giải khuyến khích) được hình thành từ sự phối hợp của nhà giáo Nguyễn Thanh Sang (khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) và SV Lê Quang Trường (SV năm cuối bộ môn Hàn, khoa Cơ khí). Theo thầy Sang, bộ môn Hàn hiện chỉ có 2 máy hàn: Hàn điểm hai phía (dùng từ năm 2006) và máy do Liên Xô viện trợ đã lâu năm, xuống cấp. Từ một câu hỏi của SV “Liệu có thể cải tiến máy hàn điểm hai phía cho hai điện cực về một phía để hàn được không?” và thực tiễn thực hành hàn vật liệu mỏng trên máy hàn điểm hai phía thường bị thủng, thầy trò đã bắt tay vào sáng tạo, sáng chế ra thiết bị.
“Tôi đã giao cho Trường quấn cuộn biến thế của máy. Phần mạch điều khiển, cả thầy và trò đã cùng nghiên cứu thêm, tham khảo các giảng viên khác để cùng tạo nên”, thầy Sang cho hay. SV Trường chia sẻ: Được cùng thầy sáng chế ra thiết bị, em học hỏi được rất nhiều. Đây cũng là dịp thử thách chính mình để thành thạo, mạnh dạn hơn.
Cần mở rộng quy mô sáng tạo
Được đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên Hội thi thiết bị đào tạo tự làm còn một số hạn chế. Hội thi mới chỉ có sự tham gia của 2 trường cao đẳng. Số thiết bị dự thi tập trung 3 nhóm ngành/nghề: Công nghệ kỹ thuật Điện, Điện tử; Công nghệ ô tô; Máy tính và công nghệ thông tin. Chủng loại thiết bị đào tạo tự làm chủ yếu là dụng cụ, mô hình, bộ phận thiết bị; chưa có các phần mềm, phương tiện kỹ thuật khác.
“Một số thiết bị dự thi còn hạn chế về khả năng nâng cấp và mở rộng, chưa có thiết bị đào tạo dạng tập hợp thành bộ; khả năng tháo rời hoặc phối hợp thành từng bộ phận theo từng chuyên đề còn nhiều hạn chế. Hoạt động trong Hội thi chủ yếu là trình diễn và thi các thiết bị đào tạo, chưa tổ chức được các hoạt động như: Hội thảo chuyên đề về tự chế tạo thiết bị đào tạo; khai thác, sử dụng các thiết bị đào tạo; đầu tư thiết bị đào tạo nghề... hoặc hoạt động triển lãm các thiết bị đào tạo của các công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị đào tạo”, ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận định.
Bên cạnh đó, kỹ năng trình diễn, thuyết minh của một số tác giả chưa cao, chưa làm nổi bật một số nội dung trọng tâm của thiết bị tự làm. Các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh còn hạn chế về trang thiết bị đào tạo, đội ngũ chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng nên chưa triển khai được hoạt động chế tạo thiết bị đào tạo tự làm.
Thực tế này đòi hỏi các trường nghề, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp để thúc đẩy, mở rộng quy mô của hoạt động sáng tạo, chế tạo thiết bị đào tạo tự làm, góp phần tích cực cho hoạt động đào tạo nghề.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn