Chuẩn bị cơ sở vật chất
Ngày 6.2 (mùng 6 tháng Giêng), Trường CĐ Cơ điện- Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã tổ chức giảng dạy, đào tạo lái xe tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe của Trường (cơ sở 3 ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát). Hoạt động này nhằm tích cực chuẩn bị cho đợt thi tốt nghiệp cho 175 học viên học lái xe hạng B và 80 học viên học lái xe hạng C vào ngày 12.2. Đối với học sinh, sinh viên (HSSV) hệ trung cấp và cao đẳng, Trường tổ chức nhập học trực tiếp từ đầu tuần sau.
|
Ngày 14.2, các trường nghề trên địa bàn tỉnh sẽ đón HSSV học trực tiếp.
- Trong ảnh: Sinh viên khoa Điện (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) thực hiện các bài thi thực hành. Ảnh: N.M |
Ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, cho biết: “Đến nay, toàn bộ viên chức, giáo viên, người lao động và trên 600 HSSV hệ trung cấp và cao đẳng sẽ học trực tiếp tại 3 cơ sở của Trường đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Nhà trường đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trước khi đón HSSV trở lại học tập trung như: Tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn, tiệt trùng các khu vực nhà làm việc, phòng học, xưởng thực hành… Đồng thời, thông báo cho viên chức, giáo viên và HSSV test sàng lọc trước khi tựu trường nhập học; tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K”.
Trong khi đó, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cũng tiến hành chuẩn bị cơ sở vật chất tại các cơ sở của trường. Thời gian qua, cơ sở 684 Hùng Vương (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã trở thành nơi phục vụ công tác cách ly tập trung, điều trị người nhiễm Covid-19. Hiện nay, một số máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn để tại ký túc xá. Để đảm bảo chỗ ở cho HSSV tại cơ sở này, Trường đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan di dời các máy móc để nhà trường thuận lợi tổ chức vệ sinh, bố trí lại phòng ốc.
Chủ động, linh hoạt chương trình đào tạo
Với trên 4.000 HSSV, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có kế hoạch ưu tiên việc học trực tiếp đối với HSSV năm cuối và kề cuối (khóa 13 và khóa 14). Đối với học sinh khóa mới - khóa 15, nhà trường có thể tổ chức học trực tuyến đối với những môn lý thuyết chung để hạn chế tập trung quá đông người, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; triển khai học trực tiếp đối với các nội dung thực hành.
“Học trực tuyến vẫn là một phương pháp tổ chức học tập hiệu quả, phù hợp với tình hình mới đối với một số phân môn. Trường sẽ linh hoạt, chủ động để đảm bảo yêu cầu, chất lượng đào tạo. Trường cũng giao cho các khoa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo để vừa có thể bổ sung các nội dung thực hành của các mô đun dồn lại từ học kỳ I, đảm bảo chương trình của học kỳ II và việc đi thực tập tại các trường mầm non, tiểu học của sinh viên giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, việc đi thực tế, thực tập tại các DN của HSSV các nghề khác”, ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho hay.
Về công tác chuẩn bị cho việc học trực tiếp, theo ông Trần Trọng Kiệm, Trưởng khoa Điện (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), ở năm học này, phải đến học kỳ II, HSSV mới được “tựu trường”. Để chuẩn bị cho học kỳ đặc biệt theo chủ trương chung, nhà trường giao cho khoa chủ động, linh hoạt trong công tác giảng dạy. Khoa đã phân công giảng viên giảng dạy, xây dựng thời khóa biểu và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón HSSV quay trở lại trường sau một học kỳ phải học trực tuyến. “Tôi tin chắc một điều là tất cả HSSV đều rất háo hức chuẩn bị cho ngày tựu trường lần này, nhất các HSSV khóa 15”, ông Kiệm chia sẻ.
Nhận được thông báo của nhà trường về việc học trực tiếp từ trước tết Nguyên đán Nhâm Dần, Nguyễn Thế Hoàng (sinh viên khóa 15, khoa Điện tử - Tin học Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) đang chuẩn bị hành trang để cuối tuần này vào TP Quy Nhơn trọ học. Theo Hoàng, niềm vui khi được bước chân vào trường, được ngồi cùng các bạn trong phòng thực hành để nghe các giảng viên hướng dẫn sẽ khác hẳn so với việc lắng nghe, quan sát các chỉ dẫn của giảng viên qua màn hình điện thoại, máy tính. Điều này cũng sẽ góp thêm động lực tinh thần để Hoàng và các bạn tập trung hơn cho việc học tập, đảm bảo chương trình, chất lượng đào tạo.