Bình Định là một trong 3 địa phương được triển khai dự án từ tháng 12.2021 đến tháng 4.2024. Tổng kinh phí thực hiện dự án tại Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum là gần 1,9 triệu USD (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ).
Mở rộng dự án
So với giai đoạn I, dự án Hãy nắm tay tôi giai đoạn II mở rộng hơn về nhiều mặt. Ở giai đoạn I (10.2018 - 10.2021), dự án tập trung vào mục tiêu phát triển một mô hình bền vững và có thể mở rộng nhằm cải thiện dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà dành cho người khuyết tật (NKT) nặng tại tỉnh Bình Định và Quảng Nam. Sang đến hiện tại, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT nặng thông qua việc tăng cường chăm sóc và trợ giúp NKT nặng tại tỉnh Bình Định, Kon Tum và Quảng Nam.
|
Ở giai đoạn II, dự án Hãy nắm tay tôi hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho NKT.
Trong ảnh: - Nhóm nhạc khuyết tật nữ S-Girls (Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga) biểu diễn tại Hội thảo khởi động dự án giai đoạn II). Ảnh: N.M |
Vùng bao phủ của dự án từ 17 xã/4 huyện/2 tỉnh, 600 người hưởng lợi ở giai đoạn I tăng lên 81 xã/6 huyện/
3 tỉnh và 2.600 người. Đối tượng hưởng lợi không chỉ là NKT, người chăm sóc, nhân viên y tế mà còn có các trung tâm chuyên biệt, trung tâm y tế, đơn vị y tế tư nhân, trung tâm xã hội, nhân viên xã hội... “Tại giai đoạn II, vai trò của hệ thống y tế sẽ lớn hơn. Ngoài ra, dự án cũng áp dụng tối đa ứng dụng di động và công nghệ trong đào tạo, quản lý dự án, giám sát”, bà Nguyễn Thị Yên, Giám đốc dự án Hãy nắm tay tôi giai đoạn II chia sẻ.
Tại Bình Định, dự án mở rộng ra tất cả các xã, phường, thị trấn của TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Cát thay vì một số xã, phường, thị trấn của TX Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước như giai đoạn I. Dự kiến, sẽ có 2.330 NKT Bình Định hưởng lợi từ các mô hình chăm sóc, trợ giúp xã hội, thay đổi nhà ở. 1.700 người chăm sóc hưởng lợi từ các chương trình đào tạo về chăm sóc và trợ giúp xã hội.
Nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật
TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia đánh giá độc lập dự án, cho biết: “Qua khảo sát đối tượng hưởng lợi từ dự án trong giai đoạn I, tôi nhận thấy sự thay đổi không chỉ hiện hữu ở NKT nặng mà còn rõ nét ở gia đình, người chăm sóc cho NKT. Ở giai đoạn II, dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho NKT. Đây là định hướng đúng bởi sau khi khỏe hơn về thể chất, tinh thần nhờ các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng, NKT sẽ có nhu cầu sống độc lập, tham gia các hoạt động trong nhà, ngoài cộng đồng”.
Cũng theo ông Liêm, bên cạnh đối tượng là NKT nặng, dự án cũng hướng đến người có khó khăn về chức năng (ngắn hạn và dài hạn, người cao tuổi). Với hướng đi này, dự án sẽ thu hút được sự quan tâm, sự tham gia của nhiều bộ phận. Bởi, trên thế giới, khái niệm NKT đã thay đổi, chuyển dần sang khái niệm “người có khó khăn về chức năng”.
Bàn về tính bền vững của dự án, nhất là sau khi dự án kết thúc, một số ý kiến cho rằng dự án cần sự tham gia của nhiều ngành, tổ chức, trong đó có sự tham gia, chủ trì của ngành Y tế, LĐ-TB&XH. Đồng thời, cần khuyến khích sự tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ của các đơn vị tư nhân, DN xã hội.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng chia sẻ: “Dự án Hãy nắm tay tôi có tính nhân văn sâu sắc khi giúp NKT tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp, tạo cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn. Với cái tên Hãy nắm tay tôi, dự án sẽ mang đến những cái nắm tay đồng hành, cùng đi về phía trước tươi sáng hơn cho NKT”.