Ngày càng bài bản
Thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, đạo đức người hoạt động CTXH; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ làm CTXH.
|
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã đổi tên thành Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh, thực hiện thêm nhiệm vụ tư vấn, quản lý và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. Ảnh: Trung tâm CTXH và BTXH |
Đến nay, mạng lưới CTXH đã phủ sóng khá dày đặc. Ở tuyến tỉnh có các sở, ngành, hội, đoàn thể, Chi cục DS-KHHGĐ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa của ngành y tế, các cơ sở bảo trợ xã hội. Tuyến huyện có phòng LĐ-TB&XH, TTYT, các hội, đoàn thể của 11 huyện, thị xã, thành phố. Tuyến xã có công chức văn hóa xã hội, cộng tác viên CTXH, trạm y tế, các hội, đoàn thể và tình nguyện viên y tế. Hiện nay, ngành Y tế có 17/17 đơn vị có giường bệnh đã thành lập tổ CTXH.
Tỉnh cũng đã xây dựng mô hình trung tâm CTXH trong lĩnh vực quản lý. Bên cạnh Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn còn có 4 cơ sở bảo trợ xã hội chuyên sâu về CTXH. Từ năm 2017, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã đổi tên thành Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh, thực hiện thêm nhiệm vụ tư vấn, quản lý và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc thay thế phù hợp. Ngày 15.9.2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm nuôi dưỡng đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật tự nguyện tại Trung tâm, làm cơ sở để mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu.
Bên cạnh đó, công tác phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH luôn được chú trọng. Trường ĐH Quy Nhơn và Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đang đào tạo ngành CTXH. Mạng lưới cộng tác viên CTXH cấp xã tiếp tục được củng cố và duy trì tại 159 xã, phường, thị trấn.
Dự kiến, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng mới 1 cơ sở trợ giúp người cao tuổi, 1 cơ sở trợ giúp xã hội trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mở cơ sở 2 cho Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, đầu tư nâng cấp trung tâm này cùng với Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Thu hút sự quan tâm của toàn xã hội
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19, Phòng CTXH của BVĐK tỉnh vẫn huy động được gần 2 tỷ đồng hỗ trợ cho người đang điều trị tại bệnh viện. Chiều 22.3, 100 bệnh nhân nặng, có hoàn cảnh khó khăn của các khoa Ung bướu, Nội thận - Lọc máu đã vui mừng nhận suất quà 1 triệu đồng từ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và nhà tài trợ thông qua Phòng CTXH.
Bên cạnh đó, Phòng CTXH BVĐK tỉnh còn tham gia tư vấn, an ủi, động viên tinh thần người bệnh và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhẹ đang điều trị nội trú. “Chúng tôi còn gọi điện nhắc nhở bệnh nhân sau khi ra viện uống thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ, tái khám đúng lịch hẹn, lắng nghe các ý kiến góp ý của bệnh nhân, người nhà về công tác khám và điều trị tại bệnh viện”, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng CTXH BVĐK tỉnh Nguyễn Phan Thạch cho hay.
Trong quý I/2022, Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh đã tiếp nhận 3 đối tượng; trong đó 1 đối tượng thuộc diện bảo vệ khẩn cấp do địa phương đưa đến, 2 đối tượng theo đề án xã hội hóa. Đồng thời, tổ chức thực hiện 3 lớp truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em và mua bán người tại huyện Tuy Phước và Vân Canh; tư vấn, hỗ trợ đối với 2 phụ nữ bị bạo lực gia đình ở TX An Nhơn và huyện Phù Cát...
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực CTXH, hoạt động tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về CTXH luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên. “Mục tiêu của tuyên truyền là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và xã hội, hướng tới việc vận động toàn xã hội quan tâm, chung tay tham gia và ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các hoạt động CTXH”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.