Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Cần chú trọng hơn nữa tính bền vững

Thứ năm - 05/05/2022 22:25
Giữa tháng 4.2022, Thường trực HÐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2016 đến cuối năm 2021. Kết quả từ đợt giám sát cho thấy, tính bền vững cần được chú trọng nhiều hơn nữa trong công tác giảm nghèo thời gian tới trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thiên tai.
Vui nhưng chưa thật yên tâm
Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Chương trình đã hoàn thành với chất lượng cao, giúp nâng cao mọi mặt đời sống của từng hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Nhiều tuyến đường liên xã ở Phước Hưng (huyện Tuy Phước) khang trang, sạch đẹp. Ảnh: PHAN TUẤN
Một trong những thay đổi lớn dễ nhìn thấy nhất là cơ sở hạ tầng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trong sản xuất và đời sống. Khi mới thực hiện Chương trình, tỷ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn chỉ đạt 51,6%; đến cuối năm 2020, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% đường trục và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa. 80% trường mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn nông thôn mới…
Năm 2016, thu nhập của hộ nghèo khoảng 9 triệu đồng/người thì đến năm 2021 tăng lên gần 11 triệu đồng/người. Tại thời điểm ban hành Chương trình, toàn tỉnh có 3 huyện nghèo,
18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 26 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 1 huyện nghèo; 14/18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, về đích nông thôn mới và lên thị trấn.

Những kết quả đã đạt được như vậy, theo các thành viên của Đoàn giám sát là hết sức phấn khởi và đáng ghi nhận. Dù vậy, phân tích kỹ vào những hạn chế, vướng mắc của cơ sở lại làm dấy lên lo ngại về khả năng thoát nghèo không bền vững. Nhiều dự án tạo sinh kế cho hộ nghèo không được người dân duy trì vì nhiều lý do, chưa tạo sự bền vững trong việc làm, thu nhập. Định mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án tạo sinh kế không cao, không đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Chưa có nhiều dự án sinh kế về dịch vụ, ngành nghề, mà phần lớn là dự án chăn nuôi, trồng trọt với quy mô nhỏ nên khó tạo ra chuyển biến lớn. Mức thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo dù tăng hơn trước nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của đời sống dân cư và tính bền vững chưa cao.
Làm gì để giảm nghèo bền vững?
Theo Sở LĐ-TB&XH, đến đầu năm 2022, theo chuẩn nghèo mới ban hành cho giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh còn 25.088 hộ nghèo (chiếm 5,72%) và 24.280 hộ cận nghèo (chiếm 5,54%), tập trung chủ yếu tại 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão.
Ông Sô Y Lũy, Trưởng Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), nhấn mạnh: “Cần tổng kết các mô hình sinh kế giảm nghèo và nhân rộng ra nhiều hộ. Hãy giúp bà con giải quyết đầu ra sản phẩm, tránh cái vòng lẩn quẩn là dân làm ra sản phẩm nhưng không biết liên kết với ai, tiêu thụ thế nào và phải phụ thuộc vào thương lái, bị ép giá. Ngay cả việc nhiều bà con trồng cây keo cũng là do không biết trồng cây gì khác, cứ thấy làm có lợi thì làm”.
An Lão hiện là huyện nghèo duy nhất của tỉnh và cũng là nơi có diện tích rừng lớn. “Đã giao khoán việc bảo vệ rừng cho dân, sao không giúp bà con phát triển sinh kế dưới những tán rừng ấy? Cả nước có những mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng rất hay, giúp người dân tăng thu nhập đáng kể. Tôi đề nghị huyện cử cán bộ nghiên cứu, học tập rồi đề xuất với tỉnh hỗ trợ, sớm triển khai cho bà con làm”, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) Phạm Hồng Sơn gợi ý.
Còn lãnh đạo các huyện cho rằng, cần tiếp tục tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn trong việc lựa chọn, đề xuất các công trình; nên đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân; đẩy nhanh quy trình phân bổ danh mục để các công trình hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể. Để tránh sự chồng chéo, các địa phương đề xuất tỉnh nhập chung các ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để có sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, kịp thời. Việc phân cấp về cơ sở cần quan tâm đến năng lực thực tế, tránh tình trạng “giao việc quá sức” gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo.
Liên tục khẳng định với các địa phương rằng, mục đích của chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ là giảm nghèo mà phải là giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân yêu cầu các huyện đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.
Càng về sau, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo càng khó giảm. Thực tế này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong thời gian tới. “Các địa phương cần nỗ lực triển khai tốt các chương trình, dự án tạo sinh kế cho người dân. Nghiên cứu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; xây dựng thương hiệu để nâng giá trị của sản phẩm hàng hóa. Tích cực tranh thủ nguồn lực, lựa chọn đầu tư các công trình thiết thực, phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh”, bà Vân đề nghị.     
Tránh chạy theo thành tích trong giảm nghèo
Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH, Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của Sở về việc tính toán giảm tỷ lệ giảm nghèo. Cụ thể, Sở kiến nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5 - 2% thành 1 - 1,5%, vì mục tiêu hiện tại khó khả thi.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang lý giải: “Một bộ phận hộ nghèo cuối giai đoạn thường là những hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (già cả neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi...), khả năng thoát nghèo không cao, nếu có thì sẽ là thoát nghèo không bền vững, dễ tái nghèo. Việc Sở đề nghị giảm tỷ lệ giảm nghèo không phải là “chưa làm mà đã thấy khó”, mà chính từ thực tế, tạo điều kiện để các địa phương làm thực chất, tránh áp lực chạy theo thành tích, chỉ tiêu, tránh chuyện giảm nghèo không bền vững”.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

153/KH-UBND

Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm

lượt xem: 6 | lượt tải:3

2974/QĐ-UBND

Công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực Tổ chức cán bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 13 | lượt tải:6

2856/QĐ-UBND

Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông và không liên thông trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 15 | lượt tải:8

2774/QĐ-UBND

Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

lượt xem: 25 | lượt tải:13

31/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định

lượt xem: 20 | lượt tải:12
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay571
  • Tháng hiện tại82,846
  • Tổng lượt truy cập7,007,472
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây