Nỗ lực hết sức
Do dịch Covid-19, công tác tập huấn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo không thể diễn ra bằng hình thức trực tiếp. Bù lại, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức trực tuyến tại 11 điểm cầu cấp huyện; 159 điểm cầu cấp xã; một số địa phương đã bố trí cán bộ thôn/khu phố tham gia tại điểm cầu ở xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, bộ phận chuyên môn Sở LĐ-TB&XH luôn túc trực, giải đáp qua điện thoại những vấn đề vướng mắc trong quá trình rà soát tại thôn/khu phố. Nhờ vậy, nhìn chung, đa số cán bộ thực hiện công tác rà soát ở các địa phương hiểu rõ quy định và triển khai áp dụng khá chính xác.
Theo tổng hợp số liệu báo cáo sơ bộ trên địa bàn tỉnh, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo xét theo chuẩn mới tăng hơn so với xét theo chuẩn cũ. Chẳng hạn ở huyện Phù Cát, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, tổng số hộ nghèo năm 2021 là 1.989 hộ, chiếm tỷ lệ 3,56% tổng số dân trên địa bàn (theo chuẩn cũ là 1.313 hộ, tỷ lệ 2,35%), còn tổng số hộ cận nghèo là 3.979 hộ, chiếm tỷ lệ 7,11% (theo chuẩn cũ là 3.233 hộ, tỷ lệ 5,78%). Việc tăng này - theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH là do thay đổi chuẩn nghèo về thu nhập theo hướng tăng hơn so với giai đoạn trước và thêm một số tiêu chí, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo đoàn công tác của Sở LĐ- TB&XH về một số địa phương để kiểm tra công tác rà soát, đa số các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình đã đề ra. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đảm bảo tính công khai, minh bạch, một số nơi tổ chức họp dân bỏ phiếu để có sự đồng thuận trong cộng đồng. Ông Trần Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn khẳng định, quan điểm của thị xã là xét đúng đối tượng, không xuê xoa chạy theo thành tích, tuyệt đối tránh chuyện thắc mắc thậm chí là đơn trương sau này.
Đảm bảo đúng đối tượng
Dù vậy, cũng từ các đợt kiểm tra cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một vài địa phương đang phải chịu khá nhiều “áp lực”.
Trước hết là việc đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết đảng bộ ở cơ sở đưa ra từ đầu năm và hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể vào việc xác định tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, một số cán bộ rà soát cho rằng “ti vi nào, xe máy nào thì cũng là ti vi, xe máy nhưng giá trị chênh lệch rất xa; chưa kể, một số hộ vì nhu cầu sử dụng thực tế, phải mượn tiền hoặc mua trả góp để có dùng”. Tình trạng chênh lệch quá nhiều giữa tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo gây mất cân đối trong số liệu báo cáo của một số địa phương xuất phát từ quan điểm “đưa hộ nghèo ra hộ cận nghèo trước rồi mới đưa ra thoát nghèo”…
Thực tế hiện tại, dịch bệnh Covid-19 làm thu nhập nhiều hộ dân, nhất là số hộ khó khăn, giảm sút nghiêm trọng. Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giúp cho các địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững theo kế hoạch đề ra. Một số tiêu chí chấm điểm về tài sản, điều kiện sống của hộ và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều thiếu hụt) trong quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới… có tác động lớn đến kết quả rà soát, ảnh hưởng tình hình KT-XH ở địa phương.
Để giải quyết khó khăn thực tế trong quá trình rà soát, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Nguyễn Văn Hùng nhắc nhớ, có đến 2 phương pháp để xác định một hộ nghèo: Thông qua bảng tiêu chí chấm điểm và lấy ý kiến của người dân tại thôn/khu phố với hình thức biểu quyết từ 50% trở lên ý kiến tham gia cuộc họp thống nhất. Liên quan đến việc hộ nghèo tăng lên theo chuẩn mới, ông Hùng cho đây là thực tế khách quan, các cấp, ngành và địa phương cần nỗ lực đề ra các giải pháp, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng bước giảm nghèo trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2022 - 2025.
“Theo kế hoạch, còn khoảng 2 tuần nữa, Sở LĐ-TB&XH sẽ chốt số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chính thức và trình các cấp, ngành xem xét, phê duyệt để có cơ sở tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ngay từ đầu năm 2022. Từ nay đến đó, Sở luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của địa phương. Mong rằng, các địa phương phải thực hiện thật tốt công tác rà soát, đảm bảo không bỏ sót đối tượng thực sự nghèo”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn