Suy nghĩ thật kỹ
Lắng nghe các câu hỏi của học sinh, Ban tư vấn của chương trình nhận ra hầu hết các em đều có chung vấn đề trong xác định các bước để chọn nghề.
Ông Trịnh Thiên Trung - Phó Giám đốc Học viện chất lượng cao MNI, thành viên Ban tư vấn - nhắn nhủ: “Hầu hết các bạn đặt câu hỏi “Thầy ơi, con học ngành này là ra làm cái gì?”, chứ không hỏi “Thầy ơi, con muốn làm công việc này vậy con nên đi học ngành nào, ở trường nào?”. Nếu cứ đi theo lối mòn cũ thì rất có thể trong tương lai, các bạn sẽ tiếp tục là một trong hàng nghìn thạc sĩ, cử nhân đang thất nghiệp hoặc thuộc 60% sốngười trẻ học xong đang làm trái nghề, trái ngành (theo sốliệu của Bộ LĐ-TB&XH). Chúng tôi rất mong các bạn nhớ rằng bước đầu của việc chọn nghề là quay trở lại tìm hiểu về chính mình, về điểm mạnh, điểm yếu, về cá tính, đam mê, định hướng bản thân trong tương lai. Bước thứ hai là chọn nghề phù hợp với đặc điểm đó. Bước thứ ba mới chọn ngành đào tạo để đạt được cái nghề mà mình mong muốn. Và cuối cùng là chọn hệ đào tạo, chọn trường phù hợp với học lực, hoàn cảnh để có thể đi đến với nghề mà ta mong muốn trong tương lai”.
Một học sinh lớp 12 tại huyện Phù Mỹ đặt câu hỏi: Các bạn thường chọn ngành “hot” để học, vậy học ngành “hot” có ưu điểm và nhược điểm gì? Ông Lê Quốc Chiến Tâm, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, trao đổi: “Các bạn phải tỉnh táo hơn. Không phải là ngành “hot” mà lĩnh vực nào bạn thật sự giỏi thì nó sẽ đem lại dòng tiền cực nhiều cho chính bạn. Đừng chọn ngành theo xu thế, bởi bạn mới là người sống với nghề hàng chục năm”.
Trước một thắc mắc của học sinh về việc vào được trường đại học ngày nay quá dễ dàng, vậy học cao đẳng và đại học có gì khác nhau, các chuyên gia đã phân tích nhanh về khung chương trình, thời gian, chi phí học tập… khác nhau giữa hai hệ đào tạo. Ông Nguyễn Quốc Vỹ, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, lưu ý thêm: “Các em cần phải xác định được năng lực học tập thật sự của mình. Điểm sốtrên học bạ của em có đồng nhất với năng lực học tập của em hay không? Em cần phải lựa chọn hệ đào tạo phù hợp với năng lực học của mình để đảm bảo việc mình hoàn thành được chương trình học; bởi nếu không phù hợp thì 4 năm đại học sẽ làm cho em chán nản, mất động lực. Nhiều em đã phải mất một học kỳ hoặc một năm học đầu tiên tại trường đại học để quyết định chuyển sang học cao đẳng vì điều này”.
Tận tình chia sẻ
Chuỗi chương trình tư vấn, hướng nghiệp “Hiểu mình, hiểu nghề, sáng tương lai” năm 2021 có sự tham gia của nhiều trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh các đơn vị đã nhiều năm tham gia tư vấn cho học sinh Bình Định, năm nay có sự tham gia lần đầu của 6 đơn vị: ĐH FPT Quy Nhơn, Học viện chất lượng cao MNI, Công ty CP Giáo dục Quốc tế EDUGO chi nhánh tại Bình Định, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Duy Tân, ĐH Kinh tế quốc dân. Đại diện các trường đều dành nhiều tâm huyết để tư vấn cho học sinh về việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường; phát hiện thế mạnh của bản thân và nuôi dưỡng ước mơ; quan tâm, cân nhắc những mặt trái của từng ngành nghề; thông tin về quy chế tuyển sinh mới nhất; thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển KT-XH của tỉnh…
Trao đổi về quy chế tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trường ĐH Tài chính Marketing, nhấn mạnh: “Thay vì chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học một lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay, thí sinh có thể được thực hiện 3 lần. Đây là điểm thuận lợi nhưng cũng sẽ mang đến cho các bạn những hoang mang. Cô mong các bạn cân nhắc kỹ lưỡng, suy nghĩ chín chắn, tránh việc điều chỉnh nguyện vọng quá nhiều lần, ảnh hưởng đến tâm lý”.
Trước sự quan tâm của một vài học sinh về nhóm nghề nông nghiệp, đặc biệt là nghề thú y, ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, chia sẻ: Nhu cầu về lao động ngành Thú y trong tỉnh hiện khá lớn. Chẳng hạn, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đang xây một trại gà lớn ở huyện Vân Canh; Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng tại huyện Phù Cát; các công ty chế biến thức ăn gia súc tại Bình Định cũng rất cần người.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn