Dù đã thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Bình Ðịnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để có thể đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5 - 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
“Trông chờ, ỷ lại” Đây được xác định là một vướng mắc lớn, cản trở nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.
Những chính sách hỗ trợ cho người nghèo được Trung ương, tỉnh ban hành khá nhiều, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đối tượng yếu thế trong xã hội. Một hộ gia đình nghèo đang được hưởng nhiều chính sách, chế độ ưu đãi - từ giáo dục, y tế đến vay vốn, xét duyệt hưởng các khoản hỗ trợ, nhận quà tặng… Tuy nhiên, vô hình chung điều này lại hình thành tư tưởng chủ quan, ỷ lại, nhất là tại các vùng miền núi, vùng khó khăn, ý thức thoát nghèo của người dân rất hạn chế.
Ông Đặng Hữu Lập, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh cho biết, mặc dù việc làm tại địa phương không ổn định, mức thu nhập thấp, người dân tộc thiểu số vẫn ít muốn đi làm ăn xa, không muốn vay vốn phát triển kinh tế. Một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -
2020 của tỉnh, điều đáng nói là không chỉ người dân nghèo mà một số cấp ủy - cả cấp xã và huyện - cũng có tư tưởng “trông chờ” để người dân khó khăn trên địa bàn được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi. Việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo ở cơ sở có nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục. Việc đánh giá, giám sát theo đó chưa thực chất, còn mang tính hình thức, đối phó, chưa đánh giá đầy đủ nguyên nhân tồn tại, hạn chế để từ đó khắc phục, đề ra giải pháp. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh cũng đánh giá, mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, các địa phương liên quan vẫn chưa có sự nhịp nhàng, chưa kết hợp được các nguồn vốn, chương trình liên quan để làm công tác xóa đói giảm nghèo mạnh lên, bền vững hơn. Năng lực của cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương còn yếu; công tác kiểm tra giám sát, điều hành các chương trình giảm nghèo từng lúc từng nơi còn có những hạn chế nhất định. Huy động nhiều nguồn lực Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh và đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện chương trình này giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, để các mục tiêu giai đoạn tới đạt được, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội. Ông đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. “Một mặt để nâng cao nhận thức về công tác xóa đói giảm nghèo, nói rõ mục đích của các chính sách là tạo điều kiện để người dân nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững chứ không phải hỗ trợ lúc họ khó khăn nên không được có tư tưởng dựa mãi vào chính sách ưu đãi của Nhà nước. Mặt khác phải tuyên truyền làm sao để người dân nung nấu ý chí làm giàu, thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, thấy việc mình nghèo là đáng xấu hổ, gây ra gánh nặng cho xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo.
Mặt khác, thông qua những cơ chế, chính sách, các địa phương đầu tư nguồn lực, tiếp tục quan tâm, dành nhiều sự hỗ trợ cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là các cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Việc đầu tư phải đạt được hiệu quả như mong muốn để người dân ở địa phương đó có thể phát triển sản xuất kinh doanh ổn định và thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp huy động thật nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững. Ngoài hỗ trợ về vốn cũng phải hỗ trợ về kỹ thuật, mô hình, giúp người dân thông qua nguồn vốn vay, vốn tài trợ, hỗ trợ có thể xây dựng được các mô hình kinh tế cụ thể, phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. “Tôi đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các bên liên quan triển khai việc cho vay vốn, giải quyết việc làm, hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển kinh tế. Cuối cùng, chức năng giám sát thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải được chú trọng, tăng cường. Làm sao để việc triển khai có hiệu quả, hạn chế việc thất thoát nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nguồn lực của xã hội”, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu.
Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm