Giảm nghèo bền vững nhờ tín dụng chính sách: Nhìn từ điểm sáng Vĩnh Thạnh

Chủ nhật - 21/03/2021 13:40
Trong các chính sách giảm nghèo, chính sách tín dụng phát huy rất rõ hiệu quả, đặc biệt đối với những huyện nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Vĩnh Thạnh là “điểm sáng” trong số 3 huyện nghèo của tỉnh về triển khai chính sách tín dụng.
Không có trường hợp nợ quá hạn
Tròn 10 năm làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn của làng 3 thuộc xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), bà Đinh Thị Tình là một trong những người thấy rõ nhất sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức và điều kiện kinh tế của 52 hộ dân trong làng. “Làng này không có ruộng, ở đây cái gì cũng phải dùng tiền mua hết. Hồi trước, bà con làm kinh tế ít lắm chứ đâu có phát triển như bây giờ. Chỉ những hộ khá khá mới dám mua bò, trồng đào... Bây giờ, có Nhà nước ưu đãi cho vay vốn lãi suất thấp, nhà nào cũng mua bò, trồng đào, trồng keo hết...”, bà Tình trò chuyện. Dẫn chúng tôi xuống nhà vợ chồng chị Đinh Thị Chuya, sinh năm 1992, thấy phía sau nhà 4 con bò cái mập mạp đang ung dung gặm cỏ. Chị Chuya cho biết, đã vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CHXH huyện Vĩnh Thạnh 2 lần rồi, mỗi lần 50 triệu đồng để mua bò và trồng keo. Chị cho hay 4 con bò này đã là lứa thứ ba, ngoài ra hai vợ chồng còn có khoảng 4 ha keo chờ thu hoạch. “Hai vợ chồng và hai đứa con không lo thiếu thốn nữa. Chúng tôi ráng làm, nuôi thêm bò, trồng thêm keo và tìm kiếm một số mô hình phù hợp để đầu tư làm kinh  tế”, chị Chuya nói.
viewimage (3)
Cán bộ tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn ghé thăm, tư vấn vợ chồng chị Chuya cách sử dụng, mở rộng vốn vay phát triển kinh tế.
Ở thị trấn Vĩnh Thạnh, nhiều người biết tiếng ông Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1966, chăn nuôi “mát tay”. Ghé thăm trang trại của ông vào lúc xế chiều, gặp ông đang cho đàn heo đen ăn chuối cây. Ông hớn hở khoe, mới hôm qua hôm kia có một vài đoàn đi tham quan suối Tà Má (xã Vĩnh Hiệp) đã ghé đây mua heo đen làm thức ăn. Từng lâm cảnh khốn khó với dịch bệnh tai xanh khi nuôi heo trắng cách đây khoảng 5 năm, trong cảnh bí bách, ông nghĩ đến chuyện vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CHXH huyện để nuôi thử heo đen. “Nhờ có đồng vốn vay lãi suất ưu đãi nên tôi mạnh dạn chuyển qua nuôi thử nghiệm heo đen, chứ biết loại này đau là chết, khó chữa được. Vay đến nay đã gần 3 năm rồi, hiện đã dư trả lãi lẫn gốc. Trang trại này tôi nuôi đủ hết: Gà, vịt, ngỗng, cá... heo đen thì có bán cả heo thịt và heo giống, doanh thu quanh năm”, ông Bình cho hay.
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 56% (năm 2016) đã giảm còn 31,3% (cuối năm 2020); tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm là 6,1%. Trong đó, tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 12.017 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 502.181 triệu đồng; góp phần giúp 2.596 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 5.530 lao động; trên 275 căn nhà ở cho hộ nghèo; hơn 250 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 450 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. “Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và ổn định. Suốt giai đoạn 2016 - 2020, không có nợ quá hạn phát sinh”, ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, trao đổi.
Quan tâm hỗ trợ hộ dân nghèo tốt hơn
Vui với những kết quả giảm nghèo đã đạt được nhờ chính sách tín dụng trong giai đoạn qua nhưng những người làm công tác giảm nghèo của huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Theo họ, trên địa bàn huyện vẫn còn những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nằm ở dưới sâu so với chuẩn nghèo - để nâng số hộ này lên bằng hoặc cao hơn chuẩn nghèo trong thời gian tới cần có sự quan tâm tích cực hơn nữa. Bà Đinh Thị Tình thở dài khi nghe chị Chuya cho biết, trước tết Nguyên đán, con trâu đực to khỏe của chị bị dây cột quấn quanh cổ làm ngạt thở chết. Bà bảo bên cạnh một số người đã biết cách làm kinh tế hiệu quả, vẫn còn những người mang tư tưởng ỷ lại hoặc tiếp tục duy trì cách chăn nuôi, trồng trọt “nhờ trời”. Công tác tuyên truyền, tập huấn cần được tăng cường nhiều hơn, kiên trì hơn trong thời gian dài, cách tuyên truyền cũng cần đổi mới. “Ứng dụng KHKT vào sản xuất là điều rất cần thiết nhưng cần có vốn để đầu tư máy móc. Nhiều bà con phải hướng dẫn tới lui nhiều lần mới biết làm, chịu làm chứ không thể nói qua một vài lần”, bà Tình bày tỏ.
Theo ông Trần Văn Đạt, năm 2021, Phòng Giao dịch Ngân hàng CHXH huyện đề ra những giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân, không để nợ quá hạn phát sinh, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo công tác xét duyệt cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. “Tôi mong muốn bà con nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn vay để có thu nhập cao hơn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để có được điều này, ngoài nỗ lực của Phòng Giao dịch, cần nhận được sự phối, kết hợp của các cấp lãnh đạo huyện, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là từ ngành nông nghiệp”, ông Đạt nói.
 

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

153/KH-UBND

Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm

lượt xem: 7 | lượt tải:3

2974/QĐ-UBND

Công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực Tổ chức cán bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 13 | lượt tải:6

2856/QĐ-UBND

Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông và không liên thông trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 15 | lượt tải:8

2774/QĐ-UBND

Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

lượt xem: 26 | lượt tải:14

31/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định

lượt xem: 20 | lượt tải:13
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,848
  • Tháng hiện tại96,633
  • Tổng lượt truy cập7,021,259
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây