Tăng cường tuyên truyền đến người dân
Việc rà soát hồ sơ lập trước ngày 1.7.2013 còn tồn đọng đã được Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện từ 3 năm trước để làm cơ sở tham mưu, đề xuất giải quyết, xử lý. Các địa phương cũng đã tiến hành rà soát khá chặt chẽ, tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn một số hồ sơ tồn đọng. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo phải xử lý dứt điểm số hồ sơ lập trước ngày 1.7.2013 trong năm nay.
Việc rà soát lần này một lần nữa đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của các địa phương. Hiện các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân biết và nỗ lực hoàn thành báo cáo gởi về Sở LĐ-TB&XH trước ngày 31.3.
Tại huyện Phù Mỹ - địa bàn có khá đông người có công cách mạng, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn huyện rất chi tiết, quy định cụ thể trách nhiệm các bên liên quan; trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. “Về phần mình, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tổ chức trực báo với sự tham gia của cán bộ văn hóa - xã hội và cán bộ giải quyết chính sách ở các xã. Phòng LĐ-TB&XH huyện phân công cán bộ chịu trách nhiệm nắm bắt địa bàn từng xã, đảm bảo không để sót hồ sơ”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Mỹ Ngô Vũ Hải cho hay.
Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người có công
Số hồ sơ tồn đọng được chấp nhận giải quyết lần này là những hồ sơ đã lập trước ngày 1.7.2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng do thiếu một số loại giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã hoàn thành nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Theo Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH), những hồ sơ này được xem xét giải quyết theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trong Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 20.3.2017.
Cụ thể, những hồ sơ đã có đầy đủ giấy tờ thì niêm yết công khai, thông báo trên phương tiện phát thanh của địa phương trong thời gian tối thiểu 15 ngày để lấy ý kiến nhân dân và cán bộ đảng viên, sau đó lập biên bản kết quả niêm yết, họp hội đồng xác nhận người có công cấp xã, rồi họp ban chỉ đạo cấp huyện để thông qua. Với những hồ sơ thiếu một số giấy tờ, thủ tục thì cần làm rõ là bổ sung những loại giấy tờ nào, do cơ quan nào cấp hoặc cần xác minh những điểm gì trong hồ sơ để có thể kết luận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện xác nhận.
Để làm tốt những quy định trên, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) lưu ý, các địa phương phải kiện toàn ban chỉ đạo, hội đồng xác nhận người có công từ cấp huyện, xã đối với địa phương thay đổi nhân sự hoặc thành lập mới nếu chưa thành lập, có sự tham gia của hội, đoàn thể liên quan và nhân dân.
“Mọi việc phải được tiến hành rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Các địa phương chỉ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận người có công đối với những trường hợp nhân dân đều đồng thuận, không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại, tố cáo. Trường hợp người có công (hoặc người lập hồ sơ) đã chuyển cư trú tại địa phương khác thì địa phương nơi lập hồ sơ trước đây có trách nhiệm xem xét, không chuyển hồ sơ đến nơi cư trú mới để giải quyết tồn đọng”, ông Thắng lưu ý.