Huy động toàn xã hội tham gia chăm lo cho người có công
Thứ hai - 27/07/2020 10:07
Nhiều chế độ, chính sách đối với người có công đã và đang được ngành LÐ-TB&XH triển khai thực hiện, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Ðịnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020), Giám đốc Sở LÐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang khẳng định, người có công luôn là đối tượng ưu tiên và sẽ còn được ưu tiên nhiều hơn trong thời gian tới.
●Cùng với nỗ lực phát triển KT-XH, tỉnh ta luôn xác định thực hiện chính sách người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã tập trung chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả… - Đúng vậy, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công (NCC) với cách mạng, tại Bình Định, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC và thân nhân được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, đời sống NCC không ngừng được cải thiện.
Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như đã hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6.173 căn nhà được hỗ trợ với tổng kinh phí 194,27 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.288 căn, từ các nguồn vốn khác hỗ trợ 885 căn. Ngoài ra, năm 2019, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 85 gia đình NCC với số tiền 880 triệu đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ 20 nhà ở cho NCC ở TX Hoài Nhơn và huyện Phù Cát với số tiền 1 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho NCC cũng luôn được quan tâm. Toàn tỉnh có 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng với mức từ 500 nghìn - 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các tổ chức, đơn vị thường xuyên thăm, tặng quà cho các mẹ vào dịp lễ, Tết, chăm sóc lúc đau ốm. Công tác điều dưỡng cho NCC được chú trọng, giúp họ nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Năm 2019, đã thực hiện điều dưỡng tập trung cho 1.653 lượt NCC, điều dưỡng tại gia đình cho 15.496 lượt người với tổng kinh phí trên 20,68 tỷ đồng.
Một công tác khác là duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ cũng được các sở, ngành và địa phương quan tâm. Trong năm qua, có 13 công trình ghi công liệt sĩ và mộ liệt sĩ được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí trên 12,8 tỷ đồng.
●Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện những công tác nào nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NCC ngày một tốt hơn, thưa ông?
- Để tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC ngày một tốt hơn, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư. Trong đó, 6 tháng cuối năm, Sở sẽ nỗ lực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương hoàn thành việc xóa nghèo cho 269 hộ nghèo có thành viên là NCC trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Một mục tiêu lớn khác là đến cuối năm 2020 sẽ không còn hồ sơ NCC tồn đọng. Để thực hiện, từ đây đến cuối năm, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sửa thông tin trên bia mộ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính. Theo đó, đối với mộ liệt sĩ không có thông tin hoặc đang khắc chữ “Liệt sĩ vô danh” hoặc “Liệt sĩ không xác định được danh tính” thì phải sửa đúng lại là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”…
●Thưa ông, để đạt những mục tiêu đề ra, cần phải có những giải pháp cụ thể và sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành…
- Để thực hiện được mục tiêu xóa nghèo cho NCC, Sở đã chỉ đạo các địa phương rà soát, phân tích nguyên nhân các hộ NCC trên địa bàn còn nghèo và tìm giải pháp xóa nghèo khả thi, phù hợp cho từng đối tượng. Chẳng hạn, đối với các hộ NCC nghèo do đông nhân khẩu, thiếu việc làm thì đề nghị các địa phương quan tâm tạo việc làm tại chỗ, tìm nguồn vốn cho họ vay để chăn nuôi, trồng trọt. Đối với những hộ có lao động nhưng không có tay nghề thì đào tạo nghề hoặc tạo điều kiện xuất khẩu lao động. Đối với người già yếu thường xuyên ốm đau, sống đơn thân, không có nguồn thu nhập ổn định thì đưa vào diện bảo trợ xã hội, đồng thời đề nghị các hội, đoàn thể địa phương thường xuyên thăm hỏi động viên và hỗ trợ thiết thực.
Các địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác NCC, đặc biệt là chỉ đạo rà soát, phân loại và xét duyệt nhằm giải quyết dứt điểm hồ sơ NCC tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20.3.2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH với mục tiêu kết thúc việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng vào năm 2020.
Có thể nói, cùng với ngành LĐ-TB&XH, thời gian qua, việc thực hiện các chính sách ưu đãi NCC và thân nhân NCC luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tôi mong rằng, thời gian tới, các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục quan tâm, tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành LĐ-TB&XH; trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC.
Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm