Tiếp tục triển khai
Giai đoạn 2013 - 2019, toàn tỉnh đã có 6.173 hộ gia đình người có công với cách mạng (NCC) được hỗ trợ về nhà ở (bao gồm xây mới và sửa chữa) với tổng kinh phí trên 193,6 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi chương trình kết thúc, còn khoảng 3.000 hộ đủ điều kiện nhưng chưa được xét hỗ trợ. Một trong những lý do chính của việc phát sinh này là thời gian thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua khá dài (từ năm 2013 - 2019), thời điểm xét thì nhà ở của NCC chưa thật sự khó khăn nhưng sau đó thì lại bị hư hỏng nặng, nhất là số hộ ở những khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ.
Việc triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ NCC giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 75/2019/QĐ-UBND ngày 21.12.2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2035 đã khẳng định sự quan tâm, ưu tiên chăm lo cho đối tượng NCC của tỉnh. Nhiều NCC phấn khởi cho rằng, việc làm này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quan trọng hơn cả là giúp các hộ NCC có nhà ở an toàn, thoải mái, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn), sau khi biết hộ ông Lê Thị, 90 tuổi, thương binh và là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được đưa vào danh sách hỗ trợ xây nhà, ai cũng mừng cho ông. Căn nhà hơn 40 m2 xây dựng đã hàng chục năm qua giờ xuống cấp, tường nứt, mái sụp, không thể chống chọi mưa bão được nữa.
Ở hai xã Nhơn Hạnh và Nhơn Tân, nhà của hai thương binh Mai Xuân Chánh và Trương Văn Lợi cũng trong tình trạng tương tự, cần được xây mới. Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, cho biết, có tổng cộng 149 hộ NCC đã làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhà ở đợt này. “Số hộ này tuy không phải ở nhà ở tạm bợ nhưng nhà họ xây dựng đã lâu, nay bị xuống cấp với các tình trạng phổ biến là nứt vách, mái hỏng, cột kèo bị mối mọt ăn nhiều, cần được sửa chữa hoặc xây mới”, ông Hiển thông tin thêm.
Khẩn trương khảo sát nhu cầu
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ ở giai đoạn trước, từ cuối tháng 7.2020, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu tiến hành khảo sát nhu cầu NCC khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ. Điều kiện khó khăn về nhà ở cũng đã được quy định rõ ràng: Hộ NCC đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng, phải phá dỡ để xây mới hoặc phải thay mới mái nhà ở và sửa chữa khung, tường. Việc khảo sát phải thực hiện đúng trình tự đã quy định - từ cấp thôn đến cấp huyện.
Sở Xây dựng lưu ý các địa phương, những hộ trước đây đã được hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn tài trợ, vận động khác thì không thuộc diện khảo sát lần này. “Riêng với số hộ trước đây UBND cấp huyện đã thực hiện khảo sát và ban hành quyết định, văn bản phê duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng chưa được hỗ trợ vì nằm ngoài danh sách được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định trong giai đoạn trước thì chỉ cần làm báo cáo theo mẫu đã quy định và gửi kèm theo quyết định, văn bản đã được phê duyệt là đủ”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Đăng Tuấn cho hay.
Với tinh thần khẩn trương và nỗ lực triển khai hiệu quả để việc hỗ trợ nhà ở có thể diễn ra ngay đầu năm 2021, Sở Xây dựng đang có kế hoạch tổ chức đoàn đi về một số địa phương đôn đốc, kiểm tra việc khảo sát, nhất là ở 2 huyện đã gởi số liệu nhưng độ tin cậy chưa cao và để đảm bảo không có tình trạng bỏ sót đối tượng đủ điều kiện rồi xin bổ sung như ở giai đoạn trước, gây ra khá nhiều phiền hà.
Trong khi đó, ngành LĐ-TB&XH cũng đang kêu gọi chính quyền các cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, quan tâm, chỉ đạo sâu sát để việc khảo sát triển khai nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực vận động thêm nhiều nguồn lực cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định (40 triệu đồng/hộ xây mới nhà ở; 20 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở) chung tay giúp hộ NCC có được nhà ở khang trang, chắc chắn.