Những tháng đầu năm 2024, nhiều địa phương đã có được tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động. Từ đó, tạo động lực để tích cực đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Vượt mong đợi
Tại TX Hoài Nhơn, số người đăng ký xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện đang vượt mong đợi. Theo ông Đặng Đức Đạo, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX Hoài Nhơn, trong năm 2024, theo chỉ tiêu tỉnh giao, Hoài Nhơn có 91 lao động xuất khẩu, kế hoạch phấn đấu của thị xã là 150 - 200 trường hợp. Đến tháng 5.2024, toàn thị xã đã có 68 trường hợp đăng ký tham gia.
Lý giải về điều đáng phấn khởi này, ông Đạo cho hay: “Chúng tôi tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động. Trên địa bàn thị xã có đến 4 chi nhánh của các DN hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, người dân rất dễ tiếp cận với các thông tin về XKLĐ cũng như các đơn hàng mong muốn. Ngoài ra, chi nhánh của Công ty CP Nhân lực quốc tế Hoàng Minh tại thị xã còn tổ chức nhận hồ sơ và đào tạo tại chỗ; lao động không phải đi học xa nên rất thuận lợi. Bên cạnh đó, nhiều người đã tham gia XKLĐ trở về cũng thông tin rõ ràng hơn cho người trong họ tộc”.
Tương tự, TP Quy Nhơn cũng sắp hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao. Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Tính đến 30.4, TP Quy Nhơn đã có 109 lao động đến nhận việc ở nước ngoài. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động thu hút thêm. Lợi thế của TP Quy Nhơn là có rất nhiều công ty, DN hoạt động trong mảng này với những ưu điểm riêng để người lao động lựa chọn. Chắc chắn đến cuối năm chúng tôi sẽ đạt chỉ tiêu được giao là đưa 130 người đi XKLĐ”.
Còn tại huyện Tuy Phước, đến nay, huyện đã có 31 người đăng ký XKLĐ (huyện được giao 45 chỉ tiêu). Theo ông Nguyễn Văn Quí, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, để đạt được kết quả trên, ngoài các hoạt động tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến, vừa qua huyện đã tổ chức 3 buổi đối thoại trực tiếp với người dân các xã để tư vấn về XKLĐ.
Nhân viên của Công ty CP Nhân lực quốc tế Hoàng Minh tại TX Hoài Nhơn tư vấn cho người dân. Ảnh: ĐVCC |
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Xác định XKLĐ là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững, dù đã sắp đạt chỉ tiêu tỉnh giao nhưng huyện Tuy Phước vẫn triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền qua hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Ông Nguyễn Văn Quí cho biết: “Sắp tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hội LHPN, Huyện đoàn tổ chức tuyên truyền. Khi có các đơn hàng, Phòng sẽ đăng tải lên tài khoản Zalo OA về lao động việc làm để mọi người tiện theo dõi. Cùng với đó, tháng 6.2024, Phòng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình giới thiệu việc làm”.
Đối với các huyện miền núi, lượng người đăng ký XKLĐ thật sự “khiêm tốn” so với nhiều địa phương khác. Do vậy, các huyện này tiếp tục nhận diện nguyên nhân và triển khai nhiều giải pháp.
Năm 2024, huyện An Lão được giao chỉ tiêu đưa 30 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay huyện chỉ có 4 trường hợp đăng ký tham gia.
Ông Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ: “Dù người dân đã biết XKLĐ là một trong những giải pháp giúp thoát nghèo nhưng rào cản về ngôn ngữ cũng như tập quán khiến nhiều người e ngại. Cùng với đó, hiện các đơn hàng việc làm yêu cầu trình độ nhất định, không phải ai cũng có thể đăng ký tham gia. Đây là một trong những khó khăn chúng tôi phải tháo gỡ trong thời gian đến”.
Cùng nguyên nhân như huyện An Lão, đến nay, huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 6 trường hợp đăng ký XKLĐ. Theo ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sắp tới huyện sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác XKLĐ. Tại đây, huyện sẽ chiếu phóng sự về các gương điển hình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ XKLĐ, lợi ích của XKLĐ trong việc giảm nghèo cũng như thông tin thêm về các chính sách hỗ trợ XKLĐ. Mục tiêu là trong năm có 20 người XKLĐ, trong đó có 7 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn