Giữa muôn trùng khốn khó, người lao động đã nhận được sự quan tâm từ nhiều phía để phần nào ổn định cuộc sống, tiếp tục nuôi hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.
Chia sẻ cùng đoàn viên công đoàn
Từ Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16.1.2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng (từ ngày 1.10.2022 - 31.3.2023), LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp với chủ DN triển khai thực hiện. Kết quả đã hỗ trợ đợt 1 cho 598 người lao động của 8 DN, với tổng kinh phí hơn 583 triệu đồng.
Ngày 25.8, Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyết định tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc do DN bị cắt giảm đơn hàng (từ ngày 1.4 - 31.12.2023). Theo đó, tùy trường hợp cụ thể mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ
1 - 3 triệu đồng; người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với đoàn viên công đoàn. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31.1.2024; hoàn thành thủ tục hỗ trợ chậm nhất ngày 31.3.2024.
Bà Huỳnh Thị Minh Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), cho biết: Sự hỗ trợ đợt 2 của Tổng LĐLĐ Việt Nam có thời gian kéo dài hơn đợt 1, nên LĐLĐ tỉnh triển khai các bước hướng dẫn thực hiện chặt chẽ hơn, giúp các cấp Công đoàn phối hợp với DN thống kê số lượng lao động cần hỗ trợ sát thực tế, đáp ứng các quy định, yêu cầu, đảm bảo việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Qua đó, hướng đến hỗ trợ được cho nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động trong giai đoạn khó khăn.
“LĐLĐ tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động bị mất việc, giảm việc; tình hình quan hệ lao động, sản xuất kinh doanh và việc thực hiện chế độ, chính sách của các DN. Tổ chức khảo sát, dự báo tình hình tác động đến việc làm của người lao động; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia giải quyết việc làm bền vững cho người lao động”, bà Hà nói.
Công đoàn Khu kinh tế tỉnh trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, mất việc tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2023. Ảnh: H.THU |
Đồng hành cùng người lao động
Trước tình hình khó khăn chung của người lao động, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tập trung thu thập nhu cầu tuyển dụng lao động (về số lượng, trình độ, ngành nghề...) của các DN trong và ngoài tỉnh; đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, tăng cường thông tin, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch ở TP Quy Nhơn và các điểm giao dịch vệ tinh; 64 phiên giao dịch việc làm lưu động; 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Tại các phiên có tổng cộng 306 DN tham gia tuyển dụng trực tiếp, 445 DN ủy quyền cho Trung tâm; 6.664 lao động tham gia và được tư vấn trực tiếp. Hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh cũng đã thực hiện công tác tư vấn - giới thiệu việc làm và học nghề cho 63.562 lượt người, trong đó tại Trung tâm là 55.429 lượt người.
Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, từ tháng 5.2023, Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các chính sách hỗ trợ DN, người lao động.
“Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo sát tình hình, tích cực hỗ trợ người lao động. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH trong công tác cho vay giải quyết việc làm, chú trọng gắn kết với các đối tượng đã qua đào tạo nghề để tự tạo việc làm ổn định”, ông Phụng cho biết.
Trong nhiều tháng qua, cùng với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm đã nỗ lực hết sức mình trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo đúng quy định.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lê Văn Nghinh cho biết: “Khối lượng hồ sơ rất lớn, chúng tôi phải huy động cán bộ, nhân viên làm việc cả ngoài giờ hành chính mới có thể giải quyết, kịp thời hỗ trợ cho người lao động. Kết quả, qua 9 tháng đầu năm nay, có 8.817 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm hơn 97% tổng số người nộp hồ sơ đề nghị), tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2022”.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) là công nhân bị mất việc tại một DN gỗ gặp khó khăn vào nửa đầu năm 2023, đã nhận được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. “Tôi được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm nhiệt tình hỗ trợ trong làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp nhận được phần nào chia sẻ khó khăn trong thời gian tôi tìm việc làm mới phù hợp với mình”, chị Nguyệt chia sẻ.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tư vấn cho lao động mất việc tìm việc làm mới tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cuối tháng 9.2023. Ảnh: H.THU |
Tìm cơ hội mới
Sau khi mất việc ở nơi cũ, nhiều người lao động nỗ lực tìm kiếm việc mới, chấp nhận giảm thu nhập, đi làm xa hơn.
Cuối năm 2022, ông Lưu Công Bá (54 tuổi, ở huyện Tây Sơn) mất việc tại một DN gỗ ở TP Quy Nhơn. Sau đó, ông được cháu gái làm ở Công ty CP May Tây Sơn (huyện Tây Sơn) giới thiệu đến xin việc. Được Công ty nhận vào làm từ tháng 2.2023, dù thu nhập giảm khoảng một nửa so với trước đây, ông Bá vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người khác chưa kiếm được việc làm mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua nhiều kênh khác nhau, Công ty CP May An Nhơn đã tích cực tuyển dụng 289 lao động, tăng 105 người so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Phạm Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CP May An Nhơn, cho biết: “Công ty tiếp tục tuyển thêm nhiều lao động ở một số vị trí, với yêu cầu từ 18 tuổi trở lên, không giới hạn các lao động lớn tuổi để tạo điều kiện cho họ có công việc, nhất là những người có kinh nghiệm”.
Sau khi mất việc làm tại một DN gỗ, chị Nguyễn Thị Lệ Quyên (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) được nhận vào làm việc tại Công ty CP May An Nhơn từ tháng 4.2023. “Chồng tôi làm thợ hồ, khi nhiều công trình xây dựng ngưng hoạt động, không có thu nhập. Được tạo điều kiện để thích nghi và có việc làm ổn định ở Công ty CP May An Nhơn, tôi rất mừng”, chị Quyên chia sẻ.
Tại phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), thông qua kênh hỗ trợ tìm kiếm, kết nối của Đoàn phường, một số ĐVTN bị mất việc làm do DN khó khăn đã có việc làm mới. Anh Cao Xuân Trung, Bí thư Đoàn phường, cho biết: “Bên cạnh nỗ lực kết nối của Đoàn phường, sự hỗ trợ của các DN như Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung tại Quy Nhơn (Khu công nghiệp Phú Tài) đã giúp các ĐVTN của phường chúng tôi sớm có việc làm mới sau khi bị mất việc”.
Từ ngày 24 - 27.10, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) sẽ giám sát chuyên đề “Công tác quản lý và chấp hành một số quy định của Bộ luật Lao động tại các DN trên địa bàn từ ngày 1.1.2021 - 30.6.2023”. Đối tượng giám sát là Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND TX An Nhơn, đồng thời kết hợp khảo sát tại một số DN. Việc tổ chức giám sát thể hiện sự quan tâm và hết sức cần thiết, nhất là trước tình hình nhiều DN khó khăn, cắt giảm lao động trong nhiều tháng qua. Qua đó, nắm bắt được thực tế thực hiện các quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động khi bị mất việc, ngừng việc. |
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn