Từ hoạt động kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng môi trường lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Trong tháng 4 và 5.2024, hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (do Sở LĐ-TB&XH chủ trì) đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra việc thực hiện các quy định nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), việc chấp hành Bộ luật Lao động 2019, Luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại 27 DN trên địa bàn tỉnh.
Cải thiện môi trường làm việc
Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn DN đã triển khai thực hiện tương đối tốt các quy định của nhà nước về ATVSLĐ, Luật BHXH và hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, tuyên truyền, phổ biến đến người lao động về ATVSLĐ. Trong đó, DN đã có kế hoạch chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại; tổ chức tập huấn ATVSLĐ, phòng bệnh nghề nghiệp và cấp cứu tại chỗ cho người lao động; thực hiện khai báo, kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…
Công ty TNHH Tân Phước- ở Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn; hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản xuất, các sản phẩm ngoại thất xuất khẩu, hiện có 179/194 lao động đang làm việc ở bộ phận sản xuất trực tiếp - là đơn vị thực hiện tốt các quy định về khám sức khỏe định kỳ, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, những quy định về chế độ đối với lao động đặc thù (lao động nữ). Dù vậy DN này lại chưa quan tâm đến tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị DN tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng có nguy cơ cao phát sinh bệnh nghề nghiệp (tuổi nghề trên 5 năm tại các vị trí phát sinh bụi, hóa chất, tiếng ồn… vượt tiêu chuẩn cho phép).
Khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Trường Sơn (Khu công nghiệp Phú Tài), đoàn kiểm tra đề nghị DN thực hiện phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; rà soát lại hành lang giao thông trong nhà xưởng, phân luồng giao thông hợp lý.
Tại Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Tài), đoàn kiểm tra đề nghị DN tăng cường chất lượng bữa ăn ca cho người lao động (mức hỗ trợ hiện nay là 18.000 đồng/người/ngày là còn thấp). Đồng thời, trang bị túi sơ cứu tại nơi làm việc đầy đủ 27 trang thiết bị, vật tư y tế; bố trí phòng vắt sữa cho lao động nữ; tổ chức hội nghị đối thoại người lao động đúng quy định của pháp luật…
Tại Công ty TNHH May Hoàng Vinh (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), đoàn kiểm tra đề nghị DN tăng cường thông khí cục bộ, bố trí các quạt thông gió để cải thiện vi khí hậu tại nơi làm việc, khắc phục vấn đề xưởng may nóng, nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho người lao động. Mặt khác, bố trí hệ thống dây điện khoa học, không để nằm dưới đất; các tủ điện phải đóng kín; toàn bộ máy móc phải có thông tin bằng tiếng Việt…
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại Công ty TNHH Hoàng Vinh. Ảnh: N.M |
Nhiều DN chưa quan trắc môi trường lao động
Một trong những tồn tại mà nhiều DN đang mắc phải là chưa quan tâm đến quan trắc môi trường lao động. Một số DN hiểu nhầm quan trắc môi trường lao động là quan trắc môi trường.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hải- Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH), Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố môi trường lao động tại nơi làm việc để có các giải pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đối tượng thực hiện quy định này là tất cả các cơ quan, DN có sử dụng người lao động, không phân biệt quy mô, ngành nghề kinh doanh, đối tượng lao động. Tần suất thực hiện ít nhất là 1 lần/năm.
“Quan trắc môi trường lao động giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, đảm bảo an toàn lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững, nâng cao hiệu quả lao động. Trong đợt giám sát vừa qua, đoàn giám sát đã thông tin đến các DN, đề nghị DN tổ chức quan trắc môi trường lao động và có biện pháp cải thiện môi trường lao động khi các yếu tố môi trường lao động không đạt”, ông Hải nói.
Ông Lê Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vinh, cho rằng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã giúp DN nhận ra nhiều vấn đề trong thực hiện quy định về ATVSLĐ, đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp giúp DN cải thiện môi trường làm việc cho người lao động. Nhiều giải pháp rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng từ trước đến nay, DN chưa có sự quan tâm đúng mức. DN nghiêm túc khắc phục các vấn đề được chỉ ra và sẽ có báo cáo đúng tiến độ.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn