Căng thẳng với rà, xét duyệt
Những ngày này, đội ngũ cán bộ cơ sở, các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực với công tác xác định các nhóm đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Từ ngày 2.6, Hội đồng xét duyệt đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) đã triển khai công tác xét duyệt các hồ sơ gửi về. Số lượng hồ sơ khá lớn nên mỗi buổi họp, Hội đồng chỉ có thể rà soát hồ sơ của 1/8 khu phố trên địa bàn phường. Tất nhiên, đây là số hồ sơ đã thông qua sau cuộc họp quân dân chính tại khu phố.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: “Người dân phường Quang Trung chủ yếu là lao động tự do, buôn bán nhỏ. Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai rà soát tại 8 khu phố. Cái khó là công việc của lao động tự do, xe thồ, buôn bán nhỏ, phụ việc tại các hàng quán nhỏ... thường không ổn định. Địa phương gặp khó trong xác minh được công việc, thu nhập, vị trí làm việc của họ để làm cơ sở cho việc thu nhập bị giảm sâu do đại dịch Covid-19. Chúng tôi vẫn đang bám rất sát vào Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH thành phố”.
Trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ tại cấp khu phố, ông Tôn Lân Dũng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Khu phố 1, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, bày tỏ sự mệt mỏi và căng thẳng vì công tác liên quan đến việc xét duyệt đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Ông tâm sự: “Tất cả đều gấp rút, khẩn trương, yêu cầu cao về độ chính xác, trách nhiệm của người làm công tác xét duyệt mà nhân lực tại khu phố lại mỏng. Khu phố 1 đã tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ. Sau họp quân dân chính, chỉ còn 168 hồ sơ bởi rất nhiều trường hợp không được quy định tại văn bản hoặc không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ. Khi chúng tôi loại hồ sơ, người dân phản ứng, nói lời nặng nề với cán bộ địa phương”.
Theo đại diện của các địa phương, thực tế phát sinh thêm rất nhiều trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng lại không được quy định tại Quyết định số 15. Đơn cử như: Nhân viên phục vụ, làm việc tại các quán karaoke; người làm nghề cắt tóc; nhân viên, chủ cơ sở dịch vụ internet; nhân viên bốc dỡ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng nước, tại bến xe...
Đại diện Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH cũng đã báo cáo UBND tỉnh về nhóm đối tượng người lao động nghỉ việc trước thời điểm ngày 31.3.2020, không đảm bảo các điều kiện về thời gian, về tham gia BHXH bắt buộc (quy định tại Điều 1 Quyết định số 15) dù họ là đối tượng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Điển hình là 1.620 lao động của các cơ sở mầm non tư thục phải ngừng việc và hơn 1.000 người lao động (gồm: Bảo mẫu, cấp dưỡng, lao công) tại các cơ sở giáo dục công lập.
Tìm giải pháp, đề xuất kiến nghị
Trên nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 42: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên tinh thần Nhà nước, DN và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm, tỉnh Bình Định tiến hành xét hỗ trợ đối với người lao động dựa trên thu nhập chia đầu người của mỗi hộ. Với các cá nhân có thu nhập bị giảm sâu do dịch bệnh Covid-19, nhưng người thân (vợ hoặc chồng, con) có thu nhập ổn định, bình quân thu nhập của các thành viên trong hộ cao hơn mức sống chung thì sẽ không được hỗ trợ nhằm chia sẻ với các trường hợp thật sự khó khăn hơn. Trường hợp người lao động có thu nhập giảm nhưng chưa sâu, chưa thấp hơn mức sống tối thiểu nhưng các thành viên còn lại trong gia đình không có thu nhập ổn định thì vẫn được hỗ trợ vì thu nhập bình quân đầu người thấp.
Để có những hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trên cơ sở những khó khăn phát sinh từ thực tế, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành hướng dẫn, chỉ đạo hướng dẫn qua Zalo. Nhóm hỗ trợ trên Zalo có 34 thành viên, gồm các chuyên viên, cán bộ Sở LĐ-TB&XH và đại diện 11 huyện, thị, thành phố. Đây được xem là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ khẩn cấp, thay cho các văn bản hướng dẫn.
Đối với nhóm đối tượng là giáo viên, người lao động tại các cơ sở mầm non tư thục; người lao động tại các cơ sở giáo dục công lập, ngày 30.5, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh về việc ban hành Quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này và dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo. Trước đó, tại cuộc họp về công tác hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào cuối tháng 5, UBND tỉnh đã có hướng sẽ sử dụng nguồn vận động xã hội hóa đã để hỗ trợ cho các trường hợp này.
Tính đến ngày 2.6, Sở LĐ-TB&XH đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt nhóm đối tượng lao động tự do và hộ kinh doanh của 2 huyện Tuy Phước và An Lão. Sở đang tiến hành thẩm định cho số đối tượng lao động tự do của huyện Phù Cát. Riêng 8 huyện, thị, thành còn lại chưa trình đối tượng phê duyệt về Sở.
Các địa phương cũng tiến hành nhập liệu vào phần mềm. Đến sáng 2.6, 11 huyện, thị, thành đã nhập liệu 4.559 đối tượng lao động tự do, 335 đối tượng hộ kinh doanh, 19 đối tượng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 188 đối tượng lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, 344 người bán vé số lưu động.