“Con muốn được mạnh khỏe như các bạn”
Giọng nói yếu ớt của cậu học sinh lớp 7 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên Đinh Văn Vinh (người Bana, ở làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh) cất lên khiến những người có mặt tại buổi khám tầm soát bệnh tại thị trấn Vân Canh vào chiều 11.10 vô cùng thương cảm.
Vì bệnh tim bẩm sinh, Vinh nhỏ thó, tầm non hai mươi ký, đôi mắt mở to đầy lo âu khi chia sẻ: “Con sợ mổ lắm, nhưng con muốn được mổ để khỏe mạnh như các bạn”. Người bác đứng bên cạnh nghẹn ngào: “Cha mẹ nó ở tuốt trên làng, làm lụng quanh năm nhưng vẫn còn khổ lắm, ít có điều kiện quan tâm đến con cái”.
|
Bác sĩ siêu âm tim cho học sinh Trường Tiểu học số 2 Canh Vinh, Vân Canh. Ảnh: N.T |
Hay tin có đoàn bác sĩ về tận huyện, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên đã thông báo cho tất cả học sinh có nhu cầu. “Nhờ vậy mà những em như Vinh mới tiếp cận được bác sĩ chuyên khoa và phát hiện cụ thể tình trạng bệnh”, thầy Trần Ngọc Bích, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay.
Cùng với gần 3.000 học sinh được tầm soát, có khá nhiều trường hợp trong cộng đồng biết đến đoàn khám qua phương tiện truyền thông đã chủ động liên hệ, tìm đến. Ẵm trên tay cậu con trai 14 tháng tuổi, chị Đoàn Thị Huệ (SN 1999, ở thị trấn Vân Canh) cho biết đã phát hiện con bị tim bẩm sinh lúc con 9 tháng, nhưng lần nào vào TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật, con cũng đau ốm liên miên, hết sốt cao đến tím tái tay chân. “Gặp được đoàn bác sĩ lần này để thăm khám thật may mắn. Mong rằng con tôi sẽ sớm được phẫu thuật”, chị Huệ gửi gắm.
Làm tất cả cho những nhịp tim khỏe
Từ ngày 11 - 14.10, trời mưa tầm tã, đặc biệt vào buổi chiều, vậy nhưng đoàn khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh vẫn nán lại cho đến khi không còn ai khám nữa mới thôi. Bác sĩ Huỳnh Thúc Bảo, Trưởng đoàn khám, quyết tâm không gom các em về điểm chính mà đoàn sẽ về từng điểm trường để thăm, khám từng em. Ông cho rằng, có những em bị tim bẩm sinh nhưng không có triệu chứng, đó là lý do không ít phụ huynh đã “té ngửa” khi thường xuyên đưa con đi khám bệnh mà không biết con mắc bệnh này. Nếu lúc khám chỉ căn cứ vào triệu chứng hay khi siêu âm làm không kỹ thì sẽ dễ bỏ sót.
“Đợt này có 2 em được chỉ định mổ, nhưng hầu như đã muộn. Tôi đã lưu ý rất nhiều với cha mẹ, người thân của các em rằng, ngay cả bây giờ muốn mổ thì phải thông tim và xác định có đủ điều kiện mổ hay không, còn nếu chần chừ khoảng 1 năm nữa thì có khi sẽ không còn cơ hội”, bác sĩ Bảo cho biết.
Theo bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), quyết định đưa chương trình đi sâu vào cộng đồng thể hiện quyết tâm đảm bảo mọi trẻ bị tim bẩm sinh sẽ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ trừ hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bệnh viện Hoàn Mỹ luôn gắn bó và triển khai rất hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Bệnh viện Hoàn Mỹ có thể mổ hết tất cả các loại bệnh tim bẩm sinh.
“Phát hiện càng sớm, can thiệp càng sớm thì bệnh sẽ ít ảnh hưởng đến trẻ và cơ hội chữa lành cho trẻ cao hơn những em phát hiện muộn. Theo các bác sĩ, trong thực tế, có một số tổn thương không thể giải quyết toàn bộ được, khi được chỉ định phẫu thuật chỉ có thể giải quyết một phần. Với phương châm miệt mài tìm kiếm, xác định công tác sàng lọc trong cộng đồng khó khăn và vất vả hơn nhiều, nhưng từ hiệu quả đạt được, năm tới, chương trình sẽ tiếp tục về với trẻ mầm non các xã, vùng khó khăn”, bà Trang cho hay.
Đứng nhìn từng tốp học sinh vào phòng khám sàng lọc rồi đi ra, tốp khác vào, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Canh Vinh (huyện Vân Canh) Nguyễn Thành Tiên hồi tưởng lại thời điểm con trai 4 tuổi của mình bị tim bẩm sinh. “Nó đau ốm liên miên và đau rất lâu khỏi, nhẹ cân, thấp còi. Lúc xác định được bệnh, số tiền cần có để phẫu thuật là một gánh nặng rất lớn. Vậy nên hơn ai hết, tôi là người rất ủng hộ chương trình này”, thầy Tiên cho biết.