Bao la lòng mẹ

Thứ bảy - 15/10/2022 23:20
Là một trong những người gắn bó với Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn từ những ngày đầu tiên, chị Trần Thị Kim Oanh (SN 1969, quê ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) đã dành hết tâm sức cho những đứa trẻ côi cút. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, chị trở thành chỗ dựa vững chắc cho bầy con thơ. Tình mẫu tử thiêng liêng tự nhiên như dòng suối ngọt ngào cứ thế lan ra, tuôn trào, dù mẹ con không chung dòng máu.
Ngày bắt đầu làm mẹ
Không lập gia đình riêng như bao người phụ nữ khác, chị Oanh quyết định gắn bó cả đời với những đứa con không cùng máu mủ, tỉ mỉ chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, đau cùng, vui cùng những đứa con không chút ruột rà.
● Cơ duyên nào để chị quyết định trở thành người mẹ ở Làng Trẻ em SOS?
- Vốn dĩ tôi rất yêu trẻ thơ, nhưng vì không lập gia đình nên ngày thường vẫn hay chơi đùa với những đứa trẻ khi có điều kiện. Cuối năm 2010, tôi vô tình nghe thông báo trên ti vi rằng Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn tuyển các mẹ, các dì nuôi trẻ mồ côi. Khi ấy, dù đã có công việc ổn định, lại chưa hình dung cụ thể thế nào là làm mẹ, làm dì, nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ mãi về việc ấy. Quyết định làm theo trái tim mình, tháng 2.2011, tôi kéo vali đến Làng, chính thức gắn bó với nơi này.
Cậu con trai Đinh Minh Ty (8 tuổi, người Bana) thẹn thùng nói lời yêu thương mẹ Oanh. Ảnh: DƯƠNG LINH
 Ắt hẳn quyết định này của chị không nhận được nhiều ủng hộ từ người thân?
- Mọi người đều khuyên tôi có thể không có chồng nhưng nên sinh một đứa con, rồi về quê dựng nhà, nương tựa nhau sống qua ngày. Thế nhưng, tôi không muốn vì mong muốn cá nhân của mình mà để đứa trẻ sinh ra thiếu vắng tình yêu thương của cha.
Tôi muốn mang tình yêu thương trao cho những đứa trẻ bất hạnh. Trước quyết tâm của tôi, mọi người tuy lo lắng nhưng cũng dần hiểu, đồng cảm và tôn trọng quyết định trên.
 Ấn tượng ban đầu của chị khi đặt chân đến Làng SOS ra sao?
- Lúc mới đến Làng, tôi ngạc nhiên vì nhìn đâu cũng toàn là cát với cát, trông như một “sa mạc nhỏ” giữa lòng thành phố vậy! Ngày đó, cây cối chưa nhiều như bây giờ. Cái nắng của mùa hè năm ấy khiến những mẹ, những dì mới toanh như chúng tôi vừa ngạc nhiên, lại vừa thấy tràn đầy sự kỳ vọng về một trang mới của cuộc đời - nơi chúng tôi học cách trở thành mẹ của những đứa - con - chung.
Điểm tựa cuộc đời
Biết rằng sẽ vất vả, gian truân khi trở thành mẹ của nhiều đứa trẻ, song chị Oanh chưa khi nào hối hận. Ngày 15.9.2011 đánh dấu cột mốc chị chính thức được “lên chức” mẹ, với “lứa con” đầu tiên gồm 6 trẻ.
 Làm mẹ đã khó, làm mẹ của nhiều đứa con đến từ những mảnh đất, hoàn cảnh khác nhau lại càng khó hơn phải không chị?
- Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ, vô cùng thiêng liêng. Làm mẹ ở Làng Trẻ em SOS cũng vậy. Thay vì mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, chúng tôi tìm cách làm quen, tạo cho các con cảm giác gần gũi, ấm cúng của gia đình. 13 đứa trẻ tôi từng chăm lo, mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, lối sống khác nhau, nhưng đều có điểm chung là cần hơi ấm của người mẹ, cần được yêu thương, che chở để có thể lớn lên một cách hồn nhiên và khỏe mạnh.

Càng nhiều con, tôi càng hạnh phúc, nhất là những đêm mấy mẹ con nằm ngang giường, chân mẹ dài hơn nên dư ra một đoạn, đổi lại là không khí ấm cúng chưa từng được trải qua trước đó. Chúng ríu rít bên tai, liến thoắng kể về nơi trước kia mình sống, mình trèo cây thế nào, tắm sông ra sao…
Nhiều câu chuyện khiến tôi chạnh lòng vì thương các con quá! Cuộc sống khổ cực là thế, nhưng qua lời nói con trẻ lại trở nên nhẹ nhàng như không. Sự ngây ngô của chúng khiến bản năng làm mẹ trong tôi trỗi dậy. Mọi khó khăn nhường chỗ cho khát khao che chở bầy con thơ.
 Để trở thành điểm tựa vững chắc cho con, chắc chắn chị đã nỗ lực rất nhiều…
- Tôi luôn ý thức mình cần hoàn thiện bản thân từng ngày. Tôi vẫn nhớ, ngày 1.6.2011, Làng tiếp nhận đợt trẻ đầu tiên với 28 trẻ, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên tôi chưa được “lên chức”, phải lân la sang các nhà khác, học hỏi cách chăm sóc, nuôi nấng trẻ từ các mẹ. Đến ngày 15.9.2011, tôi chính thức được nhận “lứa con” đầu tiên với 6 trẻ.
Mẹ Oanh cùng các con vui vầy chuẩn bị bữa cơm trưa.  Ảnh: DƯƠNG LINH
Ngày ấy, tôi dạy các con cách vệ sinh cá nhân, từ cách tắm, sử dụng nhà vệ sinh đến cách ăn uống, bởi các con ở quê, điều kiện thiếu thốn thì làm sao có những thứ ấy! Có con vì gầy gò quá, khi đi vệ sinh thì lọt thỏm vào bệ; có con lại thấp bé nên cần kê thêm cái đòn nhỏ mỗi lần ngồi học bài. Khi ấy, tôi phải nghĩ ra cách giải quyết, giúp con dần thích nghi với cuộc sống mới. Cứ như vậy trong 1 tháng trời, Nhà Thủy Tiên của mẹ con tôi mới ổn định, tiếng cười đùa cũng nhiều hơn.
Đến sau này, khi con bước vào độ tuổi dậy thì, tôi càng phải chuyện trò, lắng nghe con nhiều hơn. Nguyên tắc của tôi là “làm bạn trước, làm mẹ sau”, nghĩa là có thấu hiểu thì mới bảo ban, khuyên răn, chỉ rõ đúng sai cho con được.
 Sau khi vào Làng, có khi nào chị mong có mái ấm riêng cho mình, hay cho những đứa trẻ thơ ngây ấy?
- Thật lòng mà nói, cũng có những lúc hình dung về việc lập gia đình vẫn thoáng qua trong đầu. Nhưng rất mau, suy nghĩ ấy trôi vụt đi khi tôi nhìn bầy con đang say giấc.
Còn với các con, tôi luôn hy vọng khi mỗi thông báo tìm người thân của Làng phát đi, sẽ có người nhà đến Làng thăm, đón các con đoàn tụ. Các con xứng đáng được thương yêu và lớn lên trong vòng tay gia đình. Thế nhưng, không phải trẻ nào cũng có được niềm may mắn ấy. Trẻ ở lại, cùng với các mẹ, các dì trở thành điểm tựa cho nhau.
Ước mơ của người mẹ đặc biệt
Giống như bao người mẹ khác, ước mơ của mẹ Oanh là nhìn thấy các con trưởng thành, khỏe mạnh, hạnh phúc. Với mẹ, con dù nhỏ hay lớn, ở xa hay gần ngay bên cạnh đều là những đứa con mà mẹ hết mực yêu thương, tự hào.
 Với chị, điều hạnh phúc nhất khi trở thành mẹ của rất nhiều đứa con trong Làng là gì?
- Nhìn con lớn lên từng ngày, trưởng thành và biết yêu thương mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi. Có đứa, từ khi ẵm ngửa, đã là một phần máu thịt của mình. Con gái Trần Bảo Yến (SN 2011) là một mối duyên như vậy.
Tôi nhận nuôi con bé khi người ta bỏ rơi nó ở cổng Làng, vừa mới rụng rốn, yếu ớt vô cùng. Con khóc suốt ngày, ai dỗ cũng không nín, khiến lòng như lửa đốt, bởi trước giờ tôi nào có kinh nghiệm chăm trẻ sơ sinh! Thế nhưng, điều kỳ diệu là, chỉ cần nằm trong vòng tay mẹ, được mẹ ru hay nghe tiếng mẹ nói chuyện, Yến lại nín ngay.
Tôi được phép lấy họ mình đặt cho con, và xem Yến như máu mủ ruột rà. Con bé hiểu mẹ yêu thương nên cố gắng học, 5 năm liền là học sinh giỏi. Không còn là cô bé mít ướt năm nào, Yến giờ vừa mạnh mẽ, mê thể thao, thật sự là niềm tự hào của tôi.
Không chỉ Yến, nhiều đứa con giờ đã trưởng thành, đi học xa ngày nào cũng gọi về tâm sự với mẹ. Điều này làm tôi an tâm, tin rằng dù có rời Làng thì con vẫn yêu thương và hướng về mẹ.
 Đã có khoảnh khắc nào chị rơi nước mắt vì con mình chưa?
- Tôi thường rơi nước mắt vì sự ngây ngô trong cách các con thể hiện tình yêu, sự quan tâm với mẹ. Tuần trước, tôi bị sốt xuất huyết, các con lo lắng, cứ đi học về là sà vào phòng hỏi thăm không ngớt: “Mẹ ơi, bớt mệt chưa?”; đứa thì xoa bóp tay, đứa thì ôm chân, có đứa nằng nặc muốn ngủ chung để nửa đêm còn chăm sóc mẹ. Tôi vừa thương, vừa cảm động và thấy mình may mắn quá khi được nhận nhiều tình yêu đến thế.
Mới đây, con gái Đinh Thị Trang (SN 2000, vào Làng từ năm 11 tuổi) đi lấy chồng. Ngày con trở thành cô dâu, tôi cùng các mẹ, các dì và Giám đốc Làng đi họ. Ngay khoảnh khắc thấy con khoác lên mình bộ váy cưới xinh đẹp trong ngày trọng đại nhất đời, tôi không kiềm được những giọt nước mắt hạnh phúc.
Đây là đứa con đầu tiên mình gả chồng, bởi vậy, tôi xúc động vô cùng.
● Nhìn con trẻ trưởng thành từng ngày, chị có ước mơ gì gửi gắm đến chúng?
- Tôi thật sự không muốn áp đặt suy nghĩ, kỳ vọng lên con bởi không muốn con bị áp lực. Thay vào đó, tôi hy vọng các con có thể sống cuộc sống mà chúng mong muốn, miễn sao lương thiện, có ích với xã hội. Nói cách khác, chỉ cần con vui vẻ, hạnh phúc, thực hiện được điều mà con hằng ao ước là tôi đã mãn nguyện lắm rồi!
 Cảm ơn chị, chúc chị khỏe mạnh, luôn giữ tinh thần lạc quan để trở thành chỗ dựa vững chắc cho các con!

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông báo mới

- Công văn báo cáo tình hình tai nạn lao động và báo cáo công tác an toàn vệ sinh lao động năm 2024 (Biểu mẫu báo cáo)
- Công văn báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp (Biểu mẫu báo cáo)
- Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
- Công văn tăng cường triển khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP
- Tài liệu hướng dẫn sử dụng các tiện ích tài khoảng định danh điện tử trên VNeID
- Tài liệu chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, dạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 - 2025
- Công khai danh sách và địa bàn phân công hoạt động của hòa giải viên lao động (danh sách kèm theo)

- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
- Thông báo: Địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính
- Thông báo Công khai Danh mục 07 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc phạm vi thực hiện của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định (Quyết định số 2143/QĐ-UBND )
- Thông báo Công khai Danh mục 59 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục 34 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần thuộc phạm vi thực hiện của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định (Quyết định số 3533/QĐ-UBND và Quyết định số 3532/QĐ-UBND)

Văn bản mới

3976/QĐ-UBND

Về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

lượt xem: 24 | lượt tải:12

65/2024/QĐ-UBND

Quy định hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Bình Định

lượt xem: 26 | lượt tải:13

11/2024/TT-BLĐTBXH

Thông tư Hướng dẫn xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

lượt xem: 30 | lượt tải:23

3848/QĐ-UBND

Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 30 | lượt tải:14

72/2020/QĐ-UBND

Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định

lượt xem: 35 | lượt tải:0
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay687
  • Tháng hiện tại32,004
  • Tổng lượt truy cập7,395,353
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây