Những cái chết thương tâm
Từng theo bà ngoại đi nhặt ve chai ở khu vực hồ Hóc Ké (thôn An Sơn 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước) nên Nguyễn Quốc Bảo (SN 2008) biết đường đi và muốn quay trở lại hồ để nhặt ve chai bán kiếm tiền. Chiều 22.9, Bảo rủ hai anh em họ là Võ Minh Thính (SN 2014) và Võ Tuấn Kiệt (SN 2010) cùng ở tại xóm 5, thôn An Sơn 2, đến bờ hồ nhặt ve chai. Trong lúc vớt chai nhựa ở hố nước trước cửa xả tràn hồ Hóc Ké, Bảo bị trượt chân, rớt xuống hố. Thính thấy vậy, chạy đến lấy cây gỗ đứng trên bờ để kéo Bảo lên, còn Kiệt thì chạy đi tìm người dân đến cứu. Thế nhưng, khi người dân đến nơi thì Bảo và Thính đã tử vong do đuối nước. Biết gia cảnh cả hai trường hợp tử vong đều thuộc diện khó khăn - mẹ Bảo bị ung thư máu còn ba mẹ Thính đều bị câm điếc, chính quyền, hội, đoàn thể và một số nhà hảo tâm đã vận động, quyên góp tiền xây mộ cho hai cháu. Trưa 28.9, phụ nữ huyện Tuy Phước và xã Phước An đã đến phúng điếu, chuyện trò với gia đình. Chị Huỳnh Thị Bích Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước An, chia sẻ: “Ai cũng xót xa khi nhìn vào góc tường treo nhiều giấy khen của Thính. Ba mẹ đều khuyết tật nặng nên em quyết tâm học tập thật giỏi để sau này phụng dưỡng đấng sinh thành”.
Tại TP Quy Nhơn, chiều 28.8, một nhóm gồm 5 cháu nhỏ, trong đó có Nguyễn Thành Nhân (10 tuổi) và Nguyễn Tấn Trí (12 tuổi) cùng ở tổ 3, khu phố 2, phường Nhơn Phú, rủ nhau đi bắt ốc tại ao Vũng Cống (còn gọi là cống Bà Ngãi) nằm giữa đồng ruộng tại địa phương. Lúc đó, ao chứa nhiều nước do mưa lớn những ngày trước, Nhân và Trí đi vào chỗ nước sâu, chới với rồi chìm. Một số cháu đi cùng đã hô hoán nhờ người dân đến cứu nhưng không kịp. Hai ngày sau, vào chiều 30.8, tại phường Bình Định (TX An Nhơn) xảy ra một trường hợp tử vọng do đuối nước khi trẻ 14 tuổi ra bờ sông Kôn gần nhà để bắt trai và tắm thì bị sụp xuống hố sâu mất tích, đến ngày hôm sau mới tìm được thi thể.
Về phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn) nhắc vụ đuối nước tại hồ tôm làm hai bé gái 4 tuổi và 6 tuổi tử vong vào ngày 11.7, ai cũng ngậm ngùi, thương cảm. Cả hai vợ chồng đều rất thương con nên mang con ra hồ để vừa nuôi tôm vừa chăm sóc. Vậy mà, một phút lơ đễnh, cả hai cháu đã rớt xuống hồ, đuối nước. UBND phường Tam Quan Bắc cùng tổ nuôi tôm cộng đồng của phường đã quyên góp, hỗ trợ gia đình nhưng vết thương trong lòng đôi vợ chồng trẻ vẫn luôn rướm máu.
Cần biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Theo một số người dân sống gần hồ Hóc Ké (xã Phước An), tính cả vụ đuối nước mới đây thì đã có 12 trẻ em tử vong tại hồ này. Họ cho rằng, trẻ rớt xuống hồ đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do không có chỗ nào để bám víu; hai bên bờ thành được xây bằng xi măng trơn láng.
Nhìn lại các vụ đuối nước gần đây cho thấy, lý do một số vụ có 2 - 3 trẻ cùng tử vong là vì các cháu đã cố cứu nhau. Tuy nhiên, cứu bạn không được, một số trẻ còn bị liên lụy đến bản thân. Trong khi đó, khu vực ao hồ sông suối thường cách xa khu dân cư, việc tìm được người giúp rất hãn hữu.
Bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trẻ. Làm sao để từng trẻ em trong từng xóm, thôn biết bơi và biết cách cứu người đuối nước. Cùng với cha mẹ, chính quyền địa phương, các sở, ngành, hội, đoàn thể, trong những giờ học ở lớp, thầy cô giáo hãy góp phần tuyên truyền, căn dặn trẻ.
Đến động viên, chia sẻ nỗi đau và trao hỗ trợ cho những gia đình có trẻ tử vong do đuối nước, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng luôn nhắn nhủ các bậc cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con cái mình. Theo ông Hùng, quan trọng nhất vẫn là khâu phòng ngừa. Trẻ lớn thì nhắc nhở, cảnh báo, trang bị kiến thức, kỹ năng. Trẻ nhỏ thì quan tâm, giám sát, giữ thật xa những khu vực nguy hiểm. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở LĐ- TB&XH đã chấm dứt hợp đồng dạy bơi cho trẻ em năm 2021 với các địa phương (trừ huyện Tây Sơn). Thay vào đó, Sở sẽ hỗ trợ mỗi địa phương 12,5 triệu đồng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em như: Lắp đặt pano, biển cảnh báo, rào chắn tại các điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em.
“UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030” với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Rất mong sự quan tâm của các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan để thời gian tới có thể kiểm soát, giảm thiểu ở mức thấp nhất tình hình tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em”, ông Hùng chia sẻ.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn