Phải kiểm soát để trẻ em xem phim trên mạng phù hợp với độ tuổi
Thứ năm - 28/10/2021 17:01
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 28.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Liên quan đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng (điều 22), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng ý ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng khi số lượng phim quá nhiều. Song, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. “Quyền lợi cần đi liền với trách nhiệm. Theo tôi nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được vào xem phù hợp với lứa tuổi thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm, tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm. Nội dung này giao Chính phủ quy định chi tiết”, đại biểu Cảnh nói.
Về phân loại phim (điều 33), đại biểu Cảnh đề nghị bổ sung nhóm T21 - phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên. Việc phân thêm loại phim T21 sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu; số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng nhiều hơn, người từ 21 tuổi trở lên được tiếp cận nhiều hơn các giá trị của phim thế giới. Bên cạnh đó, đại biểu Cảnh cũng đề nghị ngành Văn hóa có cơ chế quy đổi độ tuổi các phim nhập khẩu chiếu trên mạng có tính tương đồng hay có thể so sánh được giữa các tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi ở các quốc gia và Việt Nam. Ví dụ, phim chính kịch của Thái Lan quy định 16+ thì Việt Nam cũng cho phép chiếu 16+, phim lãng mạn Pháp quy định 18+ thì Việt Nam cho tăng 1 cấp là 21+ (nếu có). Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam. Dự thảo luật hiện không quy định phân loại phim theo thể loại. Theo đại biểu Cảnh, nếu bổ sung phân loại phim theo thể loại (như chính kịch, hài, lãng mạn, hành động, kinh dị, khoa học viễn tưởng…) sau đó văn bản dưới luật sẽ phân loại phim theo độ tuổi có dựa theo thể loại thì nội dung trong các tiêu chí sẽ rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các nhà làm phim tạo các cảnh phim đáp ứng yêu cầu về tiêu chí, yêu cầu của hội đồng thẩm định và phân loại phim. Đại biểu Cảnh nêu ví dụ: Dự thảo luật có quy định cấm phim có nội dung trái với tự nhiên, nhưng đối với thể loại phim khoa học viễn tưởng thì làm sao tránh được yếu tố này? Tương tự, quy định yếu tố kinh dị trong phim kinh dị cũng cần đánh giá khác với yếu tố kinh dị trong phim hài; quy định yếu tố bạo lực trong phim chính kịch khác so với trong phim hành động; hay phim về giáo dục giới tính thì yếu tố tình dục trong phim cũng đánh giá khác so với thể loại khác. Trong báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình của Bộ VH-TT&DL có nêu đối với thẩm quyền cấp phép, phân loại phim, trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý có thể huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân có chuyên môn trong từng lĩnh vực tham gia hội đồng tư vấn cho cơ quan quản lý cấp giấy phép. Đại biểu Cảnh đề nghị cần cụ thể hóa vào Luật các trường hợp cần thiết đã thường xuyên xảy ra trong thực tiễn. Liên quan đến nội dung cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động phổ biến phim bằng văn bản, đại biểu Cảnh cho rằng cần quy định thêm các cơ quan quản lý nhà nước tại nơi chiếu phim có quyền dừng chiếu ngay lập tức khi phát hiện có sai phạm rõ ràng về chủ quyền quốc gia, có hoạt động tình dục đối với phim chiếu cho trẻ em.
Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm