Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động lớn trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề "Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh" đã phải tạm dừng.
Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đã tích cực tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung về thực hiện quyền trẻ em, các chính sách liên quan về trẻ em… trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai tuyên truyền trực tiếp tại các trường học, cộng đồng.
Sở đã in ấn và cấp phát 1.300 sổ tay phòng, chống tai nạn thương tích tại nhà trong mùa dịch Covid-19; hơn 30.000 tài liệu bảo vệ, chăm sóc bản thân trong mùa dịch Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người làm công tác trẻ em; hàng nghìn tờ rơi, áp phích về các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định Nguyễn Văn Hùng, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Y tế triển khai nhiều mô hình cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn. Tính đến nay, có 19/159 xã, phường được công nhận là cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức các lớp dạy bơi; truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại trường học, cộng đồng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em.
Ngành chức năng cũng đã hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức truyền thông trực tiếp tại 22 điểm trường, cộng đồng, tuyên truyền trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức 6 lớp về "Phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường" và 6 lớp "Học làm người có ích" cho gần 3.000 thanh thiếu nhi tham gia.
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước, bị xâm hại.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bình Định, nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa quan tâm đầy đủ đến các em, còn thiếu hiểu biết, nhận thức về nguy cơ; chưa quan tâm chia sẻ, giáo dục trẻ về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, tai nạn thương tích.
Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao.
Đặc biệt, do tác động của phim ảnh bạo lực, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet cũng phần nào dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
Riêng về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm: "Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, với các hành vi xâm hại trẻ em cần phải xử lý nghiêm để răn đe, nếu cần thiết cần xử lý công khai người vi phạm trước công chúng".
Nguồn tin: Theo Báo Dân trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn