Ở nơi an toàn nhất
Khi chưa có dịch bệnh, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong mùa hè nắng nóng trước tai nạn thương tích đã luôn là nỗi lo lớn của các bậc làm cha mẹ. Hai năm nay, khi dịch bệnh xuất hiện, nỗi lo an toàn cho trẻ thêm lớn, dù nhiều người đã thuê, nhờ người trông nom, chăm sóc trẻ. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Nguyễn Thị Thảo quê huyện Phù Cát vào Quy Nhơn mở tiệm uốn tóc ở chợ Đầm đã quyết định mang theo cô con gái 4 tuổi ra tiệm cho yên tâm. Chị cho hay, nhà có ông bà nội nhưng ông bà mở tiệm tạp hóa, người mua tới lui nhiều, chị không yên tâm. “Nhờ ông bà nhắc cháu đeo khẩu trang khi gặp người lạ nhưng ông bà cưng chiều cháu quá, lúc cháu không muốn thì thôi. Cháu ra tiệm với tôi, tôi tập cháu thói quen đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi tiếp xúc với người lạ”, chị Thảo trò chuyện.
Cùng với ông bà, anh chị em ruột hoặc anh chị em họ đang là “nguồn trông trẻ” khá lý tưởng do nhiều trường nội trú, bán trú, cao đẳng, đại học cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ tránh dịch. Chị Ngọc Trân ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho hay nhà có hai con trai cách nhau hơn chục tuổi nhưng cứ sáp vô là chọc ghẹo nhau như “chó với mèo”. “Anh lớn tính khá hời hợt, ít nhường nhịn em nhưng mà không nhờ ảnh coi em thì không biết nhờ ai. Hai anh em ở nhà là lựa chọn tốt nhất hiện tại”, chị Trân cho biết.Với những đôi vợ chồng trẻ cùng đi làm nuôi con như vợ chồng chị Thảo, giải pháp đem con về quê gửi cho ông bà nội, ngoại hoặc nhờ ông bà đến ở cùng chăm cháu hầu như khá phổ biến. Có điều, lối sống gần gũi xóm giềng đã quen nên nhiều ông bà hay dắt cháu qua nhà hàng xóm chơi hoặc tụ tập đầu xóm chuyện trò. Gọi điện nhắc khéo nhiều lần thì sợ ông bà giận nhưng không nói thì lại không yên tâm.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ
Nỗ lực trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, tai nạn là việc đang được nhiều người làm cha mẹ thực hiện. Ở TX An Nhơn, nhiều gia đình để tờ rơi đăng tải thông điệp 5K dưới lớp kính của bàn ăn và dán chúng trong phòng khách, phòng ngủ, góc học tập của các con. Chị Kim Hồng ở phường Nhơn Hòa cho biết, đề tài về Covid-19 luôn rất “hót” trong những bữa cơm gia đình của nhà chị. “Vợ chồng tôi cố ý nói với các con về diễn biến của dịch bệnh, nhắc nhớ các con về thông điệp 5K. Những tờ rơi ở dưới lớp kính của bàn ăn ngay trong tầm mắt nên các con có thể nhìn vào, đọc hiểu và góp chuyện cùng ba mẹ”, chị Hồng cho hay.
Nhiều tuần qua, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) đã tổ chức lồng ghép nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cuộc họp tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Tỏ ra khá tự tin, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Khư cho hay, phần lớn trẻ em trong xã nghỉ hè đều ở nhà với anh chị, ông bà để cha mẹ đi làm. “Xã Vĩnh Kim hầu như rất ít khi xảy ra tai nạn thương tích gì với trẻ, bởi đa số các em đều được ông bà, cha mẹ dạy những kỹ năng cơ bản khi lên rừng, đi suối cùng. Nhờ vậy mà khi đối mặt với tình huống nguy hiểm, trẻ có thể xử lý để thoát ra hoặc nhận diện được để tránh, ngăn, cảnh báo với người lớn nguy cơ ngay từ đầu”, anh Khư trao đổi.
Theo bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh kiêm Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng (trực thuộc Trung tâm), tùy vào độ tuổi của con mà cha mẹ chỉ bảo, giải thích về dịch bệnh, hướng dẫn cách ứng phó với sự cố ngoài ý muốn. “Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ bớt thời gian xem ti vi, lướt mạng xã hội để tìm đọc những thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19, tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em trong mùa dịch, mùa hè nhất là đuối nước. Hãy kiên nhẫn giải đáp một cách dễ hiểu nhất mọi thắc mắc của con. Hãy loại bỏ ngay tâm lý khoán trắng việc trông con cho ông bà, người thân quen hoặc con lớn của mình, thay vào đó, cần thường xuyên quan tâm, giám sát chặt chẽ qua camera chẳng hạn hay để một chiếc điện thoại ở nhà, thi thoảng gọi hỏi thăm tình hình”, bà Hiếu tư vấn.
Những ngày nóng bức, oi nồng, các chuyên gia y tế khuyên bậc làm cha mẹ cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, an toàn trước bệnh tật nói chung và dịch Covid-19 nói riêng.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn