NHÂN THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM NĂM 2021 VÀ NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1.6
Thứ hai - 31/05/2021 07:20
Chung tay phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ
Trước thực tế đa số trẻ em phải ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19 và từ một vài vụ tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra, công tác phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em được tỉnh ta đặt lên hàng đầu trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2021 (diễn ra từ ngày 1 - 30.6.2021).
Hiểm họa rình rập trẻ khắp nơi
Trưa 28.5, Đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH đã về thôn T6, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) thăm hỏi, động viên 3 gia đình là ba chị em ruột có 3 con nhỏ vừa bị đuối nước. Ánh mắt của cả 6 ông bố, bà mẹ trẻ còn đầy vẻ thảng thốt, hoang mang và vẫn chưa chấp nhận được chuyện đứa con yêu quý của mình đã mất.
Anh Đinh Văn Hồng, một trong những ông bố bất hạnh, nhớ lại, cũng tầm giờ này hôm 22.5, vợ chồng anh đi bắt cá, 5 đứa nhỏ đòi theo. Đi đến nơi, thấy không yên tâm nên anh bảo 2 đứa lớn (học lớp 4 và lớp 5) dẫn 3 đứa nhỏ (2 trẻ mẫu giáo, 1 trẻ lớp 1) quay về nhà. “Tôi nghĩ mấy đứa từng đi qua chỗ này rồi nên chỉ cần hai đứa lớn dẫn các em đi là đủ. Ai ngờ, tầm 5 phút sau, 2 đứa lớn chạy ngược lên, báo tin 3 đứa nhỏ bị đuối nước”, giọng anh Hồng tắc nghẹn. Ngồi sát bên, ông Đinh Hồng Nhé, Chủ tịch UBND xã Đắk Mang, tiếp lời, đúng là khu vực đó lâu nay người dân vẫn thường lại qua, nhưng buổi tối hôm trước ngày xảy ra vụ việc, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều làm con suối chảy mạnh và đục ngầu.
- Trong ảnh: Dạy bơi cho thiếu nhi Quy Nhơn ở hồ bơi tại Trường THCS Lê Hồng Phong trong dịp hè năm 2019. Ảnh: HỒNG PHÚC Nỗi đau của “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh” có lẽ là một trong những nỗi đau ám ảnh và khó nguôi ngoai nhất đời người bởi “cháu nội tôi có lẽ đến lúc nhắm mắt cũng không biết vì sao mình lại lìa đời”, bà Võ Thị Tuyết, ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát) đau đớn nói về đứa cháu 7 tuổi đã mất ngay tại chỗ trong vụ TNGT vào trưa 25.5 xảy ra ở gần nhà như vậy. “Anh nó lấy xe đạp điện chở nó ra chợ gặp mẹ. Tôi vừa về nhà, nghe nói vậy, vội chạy ra chợ thì mẹ nó nói là hai anh em vừa về rồi. Tôi về nhà chờ hoài không thấy thì hay tin dữ”, bà Tuyết rưng rức kể. Đuối nước và TNGT đang là hai nỗi lo lớn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống) còn phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa tiềm ẩn khác. Bà Hiếu phân tích, trẻ quá nhỏ thì hành động một cách vô thức, lớn hơn một chút thì có tính tò mò, muốn khám phá; số trẻ ở tuổi thiếu niên lại thể hiện mình bằng cách làm những điều “khác thường”. “Trẻ hiếu động thường thích bày trò để chơi, theo đó rất dễ dẫn đến sự cố như hỏa hoạn, điện giật, té ngã từ trên cao, nuốt dị vật, tự gây thương tích cho mình, đuối nước, TNGT… Riêng năm nay, dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều hoạt động hè dành cho trẻ em phải hoãn, hủy. Điều này sẽ gây bí bách cho trẻ nói chung, đặc biệt là số em hiếu động”, bà Hiếu cảnh báo. Hãy tích cực hành động vì sự an toàn của trẻ Để trẻ được an toàn, rất cần sự thay đổi nhận thức và hành động hiệu quả từ người lớn. Tháng Hành động vì trẻ em năm 2021 do dịch bệnh mà không thể triển khai các hoạt động như kế hoạch. Thay vào đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trong thời gian trẻ nghỉ hè, nghỉ ở nhà tránh dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Sở đã in, phát hàng nghìn tờ rơi, cuốn sách mỏng đề cập đến cách nhận diện nguy cơ tiềm ẩn cùng các kỹ năng ứng cứu, sơ cấp cứu trẻ gặp nạn, phát cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở cùng những người làm cha mẹ ở một số địa phương. Hy vọng họ sẽ truyền tải những thông tin quan trọng đến trẻ, giúp các em có kiến thức nhận diện, kỹ năng xử lý sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Cùng với việc trang bị kiến thức cho trẻ, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người làm bố mẹ. Ông cho rằng, bố mẹ hãy tăng cường giám sát những đứa con còn nhỏ, bỏ ngay tâm lý chủ quan, chủ động đoán lường những nguy cơ có thể xảy ra với con và tích cực hành động để cản ngăn. Nếu con đã lớn thì thường xuyên chuyện trò giả định những tình huống xấu và cách xử lý, nắm bắt tâm lý để khuyên bảo con tránh xa những hoạt động dẫn đến nguy hiểm cho bản thân. Riêng với các địa phương, trong nhiều năm qua, kinh nghiệm cho thấy, nơi nào được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thì nơi đó công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phát triển và đạt kết quả cao. Ông Hùng đề nghị các địa phương hãy tích cực chung tay phòng, chống hiệu quả tai nạn thương tích ở trẻ em. Cụ thể, trong thời gian tới, hãy tiến hành rà soát và cắm biển báo những nơi nguy hiểm với trẻ; đồng thời phổ biến đến mọi người dân trên địa bàn để họ về nhắc nhở con em mình.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 có chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, với 10 thông điệp truyền thông cụ thể: 1. Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. 2. Tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. 3. Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. 4. Tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện. 5. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng. 6. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. 7. Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em. 8. Bảo vệ quyền của mọi trẻ em trên môi trường mạng. 9. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 10. Ðội mũ bảo hiểm cho con, trọn tình cha mẹ.
Công bố thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực An toàn lao động, Bảo trợ xã hội và Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm