Theo Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Nguyễn Văn Hùng, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thiên tai, dịch bệnh, vậy nên các địa phương phải dành nhiều sự quan tâm đến các em.
* Những công việc trọng tâm các địa phương cần ưu tiên thực hiện trong năm nay là gì, thưa ông?
- Trước hết, cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 khả thi, gắn với thực tiễn. Các địa phương hãy quan tâm đến việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống xâm hại và tai nạn thương tích cho trẻ. Tiếp theo là làm tốt những hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 (ngày 1 - 30.6) với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”.
Các địa phương cần tăng cường truyền thông trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhất là trong mùa dịch; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, đóng góp kinh phí xây dựng trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí; hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng, tặng quà, học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức diễn đàn trẻ em và các hoạt động có sự tham gia của trẻ. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Bảo đảm kỳ nghỉ hè vui tươi, lành mạnh cho trẻ em, đảm bảo an toàn vượt qua mọi nguy cơ của dịch bệnh Covid -19.
*Thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước, bị xâm hại… Theo ông, cần làm gì để khắc phục?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ chưa quan tâm đầy đủ đến các em, còn thiếu hiểu biết, nhận thức về nguy cơ; không quan tâm chia sẻ, giáo dục trẻ về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo, những rạn vỡ trong gia đình, sự xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống cũng đã dẫn tới chuyện trẻ bị bỏ rơi, bị xâm hại. Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao. Đặc biệt, do tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet... cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn.
Riêng đối với vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân do môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tỉnh ta có bờ biển dài, nhiều ao hồ, sông, suối, thiên tai lũ lụt thường xuyên. Một số công trình xây dựng khi thi công để lại nhiều hố sâu không có rào chắn cảnh báo, không được san lấp sau khi hoàn thành công trình… Trẻ em thích nghịch nước, đi bơi trong khi bản thân không biết bơi, không biết các kỹ năng an toàn dưới nước, kỹ năng cứu đuối…
Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tập trung các giải pháp, hoạt động nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Đối với công tác quản lý, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và địa phương liên quan tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em, phòng chống xâm hại và tai nạn thương tích cho trẻ em. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, sách mỏng cấp đến hộ gia đình.
Dịp hè năm 2021, Sở sẽ tổ chức 22 điểm truyền thông tại cộng đồng, trường học và 11 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, tổ chức 17 lớp dạy bơi miễn phí, tổ chức hội thi bơi dành cho trẻ em trong dịp hè.
*Ông mong muốn Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030 mang đến những thay đổi tích cực nào?
- Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 mà UBND tỉnh vừa ban hành ngày 8.4.2021 là cơ sở pháp lý để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền của trẻ em, tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em (bao gồm 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với trẻ em), phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em. Tôi mong muốn các địa phương quan tâm bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; bảo đảm điều kiện, thời gian, thời điểm thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (Điều 45 - Luật trẻ em).
*Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn