Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, Cơ quan Thường trực Ban Công tác về người khuyết tật (NKT) tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 43.000 NKT, trong đó có hơn 10.000 NKT đặc biệt nặng. Công tác trợ giúp NKT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm; các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể và các cấp hội, chi hội NKT phối hợp hỗ trợ, chăm lo đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT từng bước phấn đấu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
|
Trao nhà tình thương cho gia đình chị Huỳnh Thị Mộng Tuyền ở huyện Tuy Phước. Ảnh: Hội Người mù tỉnh |
Bên cạnh đó, nhiều dự án hỗ trợ NKT của các tổ chức phi chính phủ cùng mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT đang triển khai tại tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, từng bước góp phần giảm dần rào cản, đáp ứng các nhu cầu của NKT, tạo động lực để họ phát huy khả năng.
Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định; tích cực hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho NKT (như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ BHYT; cấp xe lăn, xe lắc, dạy nghề miễn phí; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí…) đã được nối lại. Chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tạo cơ hội thuận lợi để NKT có nhu cầu tham gia học nghề, vay vốn ưu đãi, tìm kiếm việc làm, có thu nhập.
Cuối tháng 11.2022, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã thống kê số liệu vận động trong năm (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền) là hơn 4,8 tỷ đồng. “Tinh thần tương thân tương ái dành cho NKT đã lan tỏa sâu rộng. Từ nguồn vận động ấy, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động bảo trợ như tặng quà, hỗ trợ sinh kế, xây nhà tình thương, cấp xe lăn, xe đạp cho 10.409 lượt NKT và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng”, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bùi Trung Dũng cho hay.
Dịp 3.12 năm nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà tình thương cho một số NKT có hoàn cảnh khó khăn. Tuần trước, bà Đinh Thị Rên (ở huyện Vân Canh) và bà mẹ đơn thân Huỳnh Thị Mộng Tuyền (ở huyện Tuy Phước, đều bị mù) đã đón đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Người mù tỉnh, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm đến khánh thành nhà mới.
Căn nhà sàn cũ của vợ chồng bà Rên đã xuống cấp nặng, mưa tạt gió lùa làm đôi vợ chồng cao tuổi không có được những đêm ngon giấc. Còn mẹ con chị Tuyền tuy đã được gia đình cho mảnh đất, nhưng chật vật mãi không thể xây được căn nhà để ra riêng.
Ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), sau một cơn sốt, anh Huỳnh Tấn Dũng (SN 1984) đã không còn đi lại bình thường. Không chấp nhận “đầu hàng số phận”, anh đi học nghề điện. Anh kiên trì thuyết phục, nỗ lực hết sức để được thầy chấp nhận dạy nghề. Một năm sau, khi được trả tháng lương đầu tiên, anh đã mừng rơi nước mắt và nghĩ về một cửa tiệm nho nhỏ của riêng mình.
Đến giờ, anh Dũng đã có vợ con và cơ ngơi kha khá. Anh chia sẻ: “Ông trời không triệt đường sống của ai cả, chỉ là NKT phải đi trên con đường gập ghềnh hơn nhiều người khác. Hãy cố gắng, cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với chúng ta”.
Xác định hoạt động tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện đời sống tinh thần cho NKT, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các cấp, ngành, người dân trong xã hội; các cơ quan truyền thông, hội, đoàn thể, hội NKT và các cơ quan liên quan thường xuyên đăng tải tin, bài trên website, mạng xã hội... Nhờ đó, các chương trình, chính sách ưu đãi được phổ biến rộng rãi; gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm làm giàu hoặc gương điển hình vượt khó được giới thiệu để NKT học hỏi, làm theo…