Ðể đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ theo các chiều thiếu hụt, huyện Hoài Ân tập trung vào thế mạnh của từng vùng giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tập trung vào thế mạnh
Ở Hoài Ân, mỗi xã mang đặc điểm, thế mạnh riêng như xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây có truyền thống trồng dâu nuôi tằm lâu đời; 3 xã vùng cao quen với trồng keo, chăn nuôi; Ân Tường Đông, Ân Tường Tây với lợi thế đất rộng, thổ nhưỡng tốt phù hợp với việc trồng cây ăn quả...
Ông Tạ Ngọc Định, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết: Trên cơ sở đặc trưng của từng xã về lao động, thổ nhưỡng, truyền thống... và nguồn vốn do Trung ương, tỉnh cấp, chúng tôi định hướng cho địa phương đẩy mạnh chăn nuôi hay trồng trọt. Sau đó, địa phương sẽ họp dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từng hộ muốn nuôi con gì, trồng cây gì để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Từ đó, địa phương sẽ xây dựng dự án, chúng tôi thẩm định và đồng hành, hỗ trợ địa phương.
Tại xã Ân Hảo Đông hiện có 104 hộ trồng dâu với diện tích hơn 110 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Phong, trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của xã. So với trước kia, việc trồng dâu nuôi tằm hiện nay ổn định hơn vì người dân chuyển qua nuôi tằm 2 giai đoạn nhằm rút ngắn thời gian nuôi, con tằm ít bệnh. Cùng với đó, giá kén ổn định từ 160 - 190 nghìn đồng/kg. Thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm hiện ở mức khá, đảm bảo đời sống cho người dân. Do vậy, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân phát triển nghề truyền thống này.
Thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm, chị Đỗ Thị Phượng (38 tuổi, ở xã Ân Hảo Đông) chia sẻ: Dù có nuôi heo, nuôi bò hay làm gì một thời gian tôi cũng quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nghề này tuy nhọc công nhưng thu nhập tốt, tuần nào cũng có kén để bán và thu được tiền ngay. Cũng không thể nói chính xác một năm gia đình tôi thu nhập bao nhiêu, nhưng mọi thứ chi tiêu từ con cái đến nhà cửa, ruộng vườn đều từ nghề này mà có được.
Trong khi đó, xã Ân Sơn đang thực hiện dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo nuôi heo đen. Ông Đinh Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm 2023, chúng tôi hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo 3 con heo đen bản địa để giải quyết thời gian nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập. Sắp tới, chúng tôi dự tính sẽ hỗ trợ heo thương phẩm và hỗ trợ người dân tăng đàn để phát triển mở rộng sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Phòng NN&PTNN huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân.
Nhờ vào việc trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Đỗ Thị Phượng (phải), ở xã Ân Hảo Đông thoát nghèo và kinh tế ngày càng phát triển. Ảnh: T.K |
Nỗ lực thực hiện đạt chỉ tiêu
Theo UBND huyện Hoài Ân, năm 2024, toàn huyện phấn đấu hỗ trợ 386 hộ thoát nghèo, 345 hộ thoát cận nghèo. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương trên cơ sở chỉ tiêu giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo do UBND huyện giao trong năm 2024, Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn chủ trì họp với lãnh đạo UBND, MTTQ và các hội, đoàn thể tiến hành rà soát, xác định rõ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguyên nhân nghèo, số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo và số hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo. Đồng thời, phân bổ số lượng, danh sách hộ nghèo và cận nghèo cụ thể, phù hợp cho MTTQ và các hội, đoàn thể để tham gia thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương.
Năm 2024, xã Ân Tường Đông được UBND huyện giao giảm 31/73 hộ nghèo của xã. Để hoàn thành chỉ tiêu này, xã đã lên kế hoạch chung tay cùng MTTQ và các hội, đoàn thể. Bà Tô Thị Thanh Sương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững, chúng tôi thực hiện đa dạng hóa sinh kế gắn với thế mạnh của địa phương. Đồng thời các hội, đoàn thể sẽ nắm bắt, tìm hiểu kỹ tình hình thực tế của hội viên để có phương án hỗ trợ sát với nhu cầu, điều kiện”.
Là một trong những hộ đang được hỗ trợ để thoát nghèo trong năm 2024, ông Đinh Văn Ninh (SN 1972, ở xã Ân Tường Đông) cho biết: Được sự hỗ trợ của xã, gia đình tôi gầy được đàn bò với 20 con, trong đó 10 con bò cái và 10 con bê. Ngoài ra chúng tôi còn trồng ớt, bí đỏ, dưa leo và làm ruộng lúa nước. Được hỗ trợ để phát triển sản xuất, chúng tôi rất quyết tâm để thoát nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Thạnh, Tổ trưởng tổ nông dân thôn Thạch Long 1 (xã Ân Tường Đông), cho hay: Chúng tôi vừa hướng dẫn hộ nghèo đăng ký vay vốn của Ngân hàng CSXH, vừa hướng dẫn về việc làm. Vì thực tế nhiều người vay vốn về không biết để làm gì, bắt đầu từ đâu. Như với hộ ông Đinh Văn Ninh, chúng tôi hướng dẫn vay vốn nuôi bò, hướng dẫn cách nuôi bò và tăng đàn. Đến nay thu nhập của gia đình ông Ninh đã dần ổn định.
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn