|
Ông NGUYỄN MỸ QUANG |
Được biết, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025 có một số điểm mới so với giai đoạn trước. Những điểm mới đó là gì, thưa ông?
- Có hai sự thay đổi đáng lưu ý. Thứ nhất là thay đổi chuẩn nghèo về thu nhập theo hướng tăng hơn so với giai đoạn trước. Cụ thể, chuẩn của giai đoạn trước là 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700 nghìn đồng/người/ tháng ở khu vực nông thôn thì giai đoạn này mức tương ứng là 2 triệu đồng và 1,5 triệu đồng.
Thứ hai là giai đoạn trước có 5 tiêu chí và 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thì giai đoạn này tăng lên 6 tiêu chí và 12 chỉ số. Ngoài những tiêu chí cũ như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin thì còn thêm một số tiêu chuẩn mới như người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, BHYT, diện tích nhà ở bình quân đầu người; riêng chỉ số giáo dục thì được chia nhỏ gồm trình độ giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em.
Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 bằng hình thức trực tuyến cho 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn (trong đó, nhiều địa phương đã mời các trưởng thôn/khu phố) cùng tham gia Hội nghị.
Để đảm bảo việc rà soát chính xác, đúng đối tượng, hẳn ngành LĐ-TB&XH cần sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan…
- Trong quá trình tập huấn, chúng tôi luôn nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương, nhất là các rà soát viên phải thực hiện đầy đủ 7 bước, bao gồm: Lập danh sách các hộ gia đình thuộc diện rà soát, tổ chức rà soát phân loại hộ gia đình, tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát, niêm yết và thông báo công khai, báo cáo xin ý kiến của UBND cấp huyện, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo và báo cáo kết quả.
Để tất cả 7 bước trong quy trình rà soát triển khai đầy đủ và khách quan, ngành LĐ-TB&XH rất cần sự tham gia, hợp tác, phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, của từng hộ dân, người dân.
Cụ thể những công việc cần phối hợp gồm có: Tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc rà soát để người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo biết và đăng ký tham gia; giám sát việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo yêu cầu khách quan, công khai trong quá trình thực hiện; cùng tham gia họp dân tại thôn/khu phố để lấy ý kiến nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Việc rà soát bắt đầu từ ngày 1.9 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh. Ông có đề nghị gì với các địa phương và lưu ý với rà soát viên không?
- Việc rà soát thực hiện theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phải đảm bảo đúng lộ trình, vì vậy, vẫn diễn ra theo kế hoạch đã đề ra. Nhằm đảm bảo những quy định về phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi luôn nhắc nhở, yêu cầu các địa phương phải chủ động và linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Riêng với những địa phương nằm trong vùng an toàn thì cần đẩy nhanh tiến độ, huy động các thành viên ban chỉ đạo ở cấp xã, thôn/khu phố cùng tham gia rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, rà soát viên ở cơ sở cần sáng tạo trong việc thu thập thông tin của hộ gia đình được rà soát vừa đảm bảo thông tin chính xác, khách quan vừa đảm bảo các quy định an toàn phòng dịch.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn