Gặp gỡ đầu năm

Thứ bảy - 01/01/2022 12:25
Năm 2021 đã khép lại, năm 2022 đã bắt đầu với nhiều hy vọng. Dự báo đây sẽ là năm của những chương trình, kế hoạch, dự án phục hồi đưa kinh tế, văn hóa, xã hội,… tất cả các mặt của đời sống trở lại đà phát triển đồng thời với việc kiểm soát tốt Covid-19. Dưới đây là ghi nhận một số ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh về những việc phải làm, cần làm trong năm 2022.
viewimage (3)
Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân được kỳ vọng tạo thêm điểm nhấn, góp phần đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển về khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.   Ảnh: FPT Software
● Ông TRẦN KIM KHA, Giám đốc Sở TT&TT:
Tập trung thực hiện chuyển đổi số
 
Năm 2022 sẽ là năm bản lề quan trọng để ngành TT&TT thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Bình Định với các nhiệm vụ cụ thể: Thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm quản lý vận hành khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định đạt hiệu quả; phát triển ít nhất 3 đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Hai là, vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Bình Định (IOC). Sở TT&TT sẽ phối hợp với Công ty CP FPT tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án IOC với việc mở rộng các dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế… đồng thời tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tiện ích, bổ sung các tính năng của các dịch vụ đã triển khai ở giai đoạn 1.
Ba là, thành lập Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân tại phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, với các công trình dự kiến: Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo; cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm.
● Ông TRẦN VĂN PHÚC, Giám đốc Sở NN&PTNT:
Công nghệ cao, công nghệ mới và các tiến bộ KHKT sẽ thâm nhập sâu vào sản xuất
 
Năm 2022, dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3,2% - 3,4%. Toàn ngành NN&PTNT đã xác định rõ những mục tiêu quan trọng để cùng phấn đấu thực hiện. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung xây dựng và trình ban hành 8 cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch trong năm 2022 nhằm thực hiện Chương trình hành động số 11- Ctr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4547/QĐ-UBND ngày 15.11.2021.
Để trồng trọt thêm chuyển biến tích cực, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh gắn với chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ của tỉnh. Về chăn nuôi, tiếp tục phát triển 3 nhóm vật nuôi chủ lực heo, bò, gà; trong đó, phát triển nuôi gà đồi tại các vùng miền núi và trung du, tiến tới xây dựng thương hiệu gà đồi Bình Định. Để phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chuỗi liên kết trồng rừng gỗ lớn giữa DN với các hộ trồng rừng. Trong lĩnh vực thủy sản, về khai thác tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng chống khai thác IUU, với mục tiêu không còn tàu cá Bình Định vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài; về nuôi trồng có các giải pháp thu hút đầu tư nuôi tôm công nghệ cao tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Nét chung trên toàn thể các lĩnh vực là công nghệ cao, công nghệ mới và các tiến bộ KHKT sẽ thâm nhập sâu vào sản xuất.
● Ông NGÔ VĂN TỔNG, Giám đốc Sở Công Thương:
Chúng ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt
 
Năm 2022 là năm thứ 2 của nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, hoạt động công nghiệp, thương mại của tỉnh vừa có những thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19.
Dự báo năm 2022, việc tập trung phục hồi khủng hoảng kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn giữa các DN, sản phẩm cùng loại trong nước và cả với khu vực nước ngoài. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Trong khi quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm tỉnh ta chưa cao, đó là khó khăn rất lớn. Giá điện, xăng dầu tăng cũng như chi phí vận tải biển tăng cao sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu tăng, các mặt hàng thiết yếu thiếu ổn định, thời tiết diễn biến thất thường, lãi suất cho vay tăng khá cao,... sẽ tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dù vậy tôi tin với sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Công Thương sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 như sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng từ 6,5 - 7% so với năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 55.780 - 56.050 tỷ đồng, tăng từ 7,5 - 8% so năm 2021. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2022 ước đạt 87.652,3 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 1.350 triệu USD, tăng 1,3% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 460 triệu USD, tăng 1,9% so với năm 2021.
● Ông NGUYỄN MỸ QUANG, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
Nỗ lực cao độ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội
 
Với phương châm hành động “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả”, toàn ngành LĐ-TB&XH Bình Định quyết tâm, nỗ lực cao độ tạo chuyển biến toàn diện, triển khai sâu rộng, đồng bộ và bứt phá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp chủ yếu để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Ngành tăng cường dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh dự thảo Kế hoạch phục hồi thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung vào 3 nội dung: Hỗ trợ người lao động trở lại làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; hỗ trợ lao động đã về tỉnh tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm thông qua các hoạt động giới thiệu việc làm, cho vay giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, ngành cũng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các nghề trọng điểm, đáp ứng nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của các DN; tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các DN đào tạo nghề cho người lao động gắn với việc làm tại chỗ, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng để chuyển đổi công việc.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), ngành tập trung giải quyết xác nhận người có công đối với những người không còn hồ sơ gốc; kịp thời đề xuất các chính sách, giải pháp nâng cao mức sống hộ chính sách, người có công…
Ngành cũng sẽ triển khai nhanh chóng, kịp thời chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đổi mới công tác trợ giúp xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo đảm các chế độ trợ giúp xã hội cho trẻ em mồ côi và phụ nữ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
● Đại tá VÕ ĐỨC NGUYỆN, Giám đốc CA tỉnh:
CA toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp trọng tâm
 
Năm 2021, lực lượng CA toàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép: Tổ chức triển khai các mệnh lệnh, cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Năm 2022, dự báo tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng; TNGT, cháy nổ tuy được kiềm chế nhưng chưa vững chắc. Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trong tỉnh; trật tự kỷ cương trên nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Do đó, lực lượng CA toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế về bảo vệ ANTT để đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm gắn với yêu cầu của thực tiễn. Nâng cao chất lượng công tác, kỹ năng xử lý, giải quyết tình hình ANTT của lực lượng CA cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong các mặt công tác để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ban Thường vụ Đảng ủy CA tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CA và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn. Tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm chống người thi hành công vụ, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, tệ nạn cờ bạc… chủ động nhận diện và đấu tranh hiệu quả với những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các loại tội phạm. Tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tham nhũng, kinh tế, chức vụ, ma túy. Trước mắt, CA toàn tỉnh đang mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT tết Dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngành CA cũng sẽ tiếp tục chủ động nắm tình hình, phát huy vai trò tham mưu trong việc đề ra các chủ trương, kế hoạch, phương án đảm bảo ANTT, an toàn xã hội gắn với phát triển KT-XH ở địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là quản lý dân cư, quản lý người nước ngoài, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; quản lý ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp với các ngành, các cấp, địa phương làm tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh và những nguy cơ mất an ninh trên các lĩnh vực, các địa bàn trọng điểm, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh tại địa phương đúng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
● Ông TẠ XUÂN CHÁNH, Giám đốc Sở VH&TT:
Tập trung phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào TDTT
 
Sở đã ban hành chương trình tổ chức các hoạt động trọng tâm ngành VH&TT năm 2022, với 113 hoạt động, gồm: lĩnh vực văn hóa (60), lĩnh vực gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (20), lĩnh vực TDTT (33). Trong đó, Sở VH&TT tập trung thực hiện các hoạt động tiêu biểu nhằm tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phong trào tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe của quần chúng nhân dân, như: Tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; lập đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng, Bài chòi”, giai đoạn
2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh và hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Đồng thời, hoàn chỉnh đề án thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định đến năm 2030; phần mềm hệ thống quản lý lĩnh vực thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định; quy chế quản lý lĩnh vực thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, Sở VH&TT còn đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia; trong đó, có giải vô địch bóng ném bãi biển nam, nữ toàn quốc; giải vô địch trẻ kickboxing toàn quốc năm 2022; giải bóng đá vô địch quốc gia, cúp quốc gia; tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII. Đặc biệt, cử đội bóng đá Topenland Bình Định tham gia giải bóng đá vô địch quốc gia V-League, giải cúp vô địch quốc gia năm 2022.
● Ông LÊ CÔNG NHƯỜNG, Giám đốc Sở KH&CN:
Ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KH&CN
 
Nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2022 của ngành KH&CN là triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Phát triển KH&CN tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Các mục tiêu cụ thể là: nâng dần tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP của tỉnh để đạt mức bình quân từ 38 - 42%; hỗ trợ thành lập ít nhất 2 DN KH&CN; hỗ trợ thương mại hóa ít nhất 2 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; triển khai có hiệu quả chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Ngành KH&CN cũng triển khai từng bước Nghị quyết chuyển đổi số của tỉnh, với việc ứng dụng các phần mềm, giải pháp phòng họp không giấy tờ, phòng họp trực tuyến để giảm bớt thời gian, giảm giấy tờ các phiên họp, nhất là giấy tờ in ấn các đề tài nghiên cứu khoa học để nghiệm thu.
Những nhiệm vụ trọng tâm khác như: Phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa; hoàn thiện công trình Tổ hợp không gian khoa học và Trạm quan sát thiên văn để đưa vào hoạt động; xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên của tỉnh; xây dựng, phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh...

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

153/KH-UBND

Kế hoạch Phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về một số vấn đề dư luận quan tâm

lượt xem: 6 | lượt tải:3

2974/QĐ-UBND

Công bố Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực Tổ chức cán bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 13 | lượt tải:6

2856/QĐ-UBND

Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính liên thông và không liên thông trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

lượt xem: 15 | lượt tải:8

2774/QĐ-UBND

Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Người có công, Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

lượt xem: 26 | lượt tải:14

31/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định

lượt xem: 20 | lượt tải:12
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay2,432
  • Tháng hiện tại92,404
  • Tổng lượt truy cập7,017,030
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây