|
Quang cảnh Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Ảnh: N.T |
Cụ thể, thiết thực
Với mong muốn hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã nỗ lực vận động nhà hảo tâm xây hồ bơi và huấn luyện người dạy bơi để hè này triển khai các chương trình dạy bơi chống đuối nước cho trẻ. Theo kế hoạch, ngày 8.6 tới, 5 hồ bơi di động đầu tiên từ nguồn vận động của Hội sẽ được khánh thành ở TX An Nhơn. Thời gian qua, Hội cũng trao đổi, làm việc với Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ xã hội, từ thiện Tâm Nguyện Việt và Tập đoàn Hưng Thịnh về việc mở hồ bơi khắp các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian sớm nhất có thể.
“Trước mắt, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh sẽ vận động các hội đồng hương huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đóng góp xây hồ bơi cho trẻ em quê nhà. Tùy vào thực tế, nếu không đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ vận động thêm một số nguồn bổ sung”, ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết.
|
Hồ bơi do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh xây tại Trường Tiểu học số 2 phường Bình Định (TX An Nhơn) đã tổ chức hoạt động dạy bơi trước khi chính thức khánh thành. Ảnh: N.T |
Cùng với hoạt động xây hồ bơi, hè này, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh khởi động lại chương trình khám, sàng lọc miễn phí cho các cháu nhỏ nghi ngờ bị bệnh tim bẩm sinh và các bệnh tim mắc phải ở người lớn trên địa bàn tỉnh. Hội và Bệnh viện Trung ương Huế đã thống nhất thành lập hai điểm khám tập trung vào hai ngày 11 và 12.6 tới tại BVĐK Bình Định và BVĐK khu vực Bồng Sơn. Hội đang rất mong mọi người thông tin rộng rãi để chương trình đến được với nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Từ ngày 1.6, Hội LHPN tỉnh sẽ bắt đầu thực hiện vai trò “Mẹ đỡ đầu” của mình với một số trẻ mồ côi trong tỉnh. Theo thống kê của Hội, tính đến ngày 1.6, đã có 45 trẻ mồ côi do Covid-19 và các nguyên nhân khác được các cơ quan, hội, đoàn thể, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu.
“Các đơn vị nhận đỡ đầu hỗ trợ tiền hằng tháng (bình quân 500 nghìn - 1 triệu đồng), tặng quà, sách vở, quần áo, cử người chăm sóc các em lúc ốm đau. Sự quan tâm, tình yêu thương được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể như vậy giúp trẻ cảm nhận sự ấm áp, có chỗ nương tựa đáng tin cậy, có động lực vươn lên”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoàng Thị Thanh Nhã thông tin.
Lắng nghe trẻ bằng cả trái tim
Cùng với sự hỗ trợ thiết thực, đặc biệt với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong từng nếp nhà, trẻ có đủ cha đủ mẹ luôn cần sự quan tâm, bảo vệ, yêu thương đúng cách. Trên thực tế, trước quá nhiều áp lực trong cuộc sống, không ít người làm cha mẹ đã lơ là vai trò quan trọng của mình với con trẻ, thậm chí còn tự cho phép mình có quyền thể hiện thoải mái cảm xúc với con để giải tỏa bao ấm ức, bực bội phải gánh chịu ở cơ quan, ngoài xã hội.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của huyện Phù Cát tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Ảnh: PHAN TUẤN |
Giữa tháng 5 vừa qua, chương trình “Sinh con, sinh cha” đã đến với Bình Định. NSƯT Xuân Bắc, đại sứ thiện chí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt, cho rằng: Làm cha mẹ thời nay không dễ, vậy nên có khi sinh con rồi, người chồng, người vợ mới từ đó mà học cách làm cha, làm mẹ cho phù hợp.
Nghệ sĩ Xuân Bắc trao đổi: “Những người làm cha, làm mẹ phải không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao nhận thức, hoàn thiện mình trong vai trò cha mẹ, tích cực điều chỉnh hành vi, điều tiết tốt cảm xúc của bản thân, dành thời gian thật chất lượng cho con và hãy lắng nghe con bằng cả trái tim”.
Mặt khác, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng, công tác phòng, ngăn, ngừa tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em phải được coi trọng hơn nữa. Ông cho rằng, phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ có xâm hại, bạo lực ngay để vụ việc không trở nên phức tạp, để lại hậu quả đáng tiếc.
“Những điều này không phụ thuộc nhiều vào trẻ em, nhất là các em nhỏ mà chủ yếu “nhờ cả vào” người lớn. Công tác phòng ngừa theo đó cần sự quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội trước những biểu hiện bất thường nếu vô tình nhìn thấy. Có một thực tế, vì nhiều lý do, người thân của trẻ không muốn hoặc không dám công khai với cơ quan chức năng việc trẻ bị bạo hành. Trong trường hợp như vậy, hãy gọi đến Tổng đài 111 để chia sẻ, giãi bày, để được tư vấn, hỗ trợ riêng tư, kín đáo; để tìm kiếm một giải pháp tốt nhất, giúp trẻ giải thoát nghịch cảnh… ”, ông Hùng kêu gọi.
Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác trẻ em, phối hợp thực hiện tốt các đề án, kế hoạch, mục tiêu về trẻ em trên địa bàn. Tăng cường công tác vận động nguồn lực ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em các cấp, tăng cường các giải pháp phòng, tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương trong tình hình mới.
Đề cập đến hoạt động giám sát, ngăn ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 tại địa phương với những hoạt động cụ thể, thiết thực và chỉ đạo các cơ quan liên quan bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, phối hợp nhau triển khai hiệu quả. Các địa phương phải thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em.
|